Tăng tốc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu rau quả kỳ vọng lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ trái dừa và cơ hội cho dừa tươi Việt Nam |
Dừa tươi tấp nập cập bến
Ngày 24/10, Sở Công Thương Tiền Giang và Công ty Fado iExport tổ chức “Lễ khởi hành chuyến xe đầu tiên vận chuyển dừa tươi Tiền Giang xuất khẩu sang Trung Quốc,” với 3 container và số lượng gần 70 tấn dừa tươi. Đây là sự kiện quan trọng đối với địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực chính ngạch đi thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Nhân viên hải quan ở Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc kiểm tra lô dừa tươi nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Chinanews |
Ông Phạm Tấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FADO iExport (FADO), đơn vị liên kết với Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc - cho biết, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó có mặt hàng dừa tươi.
Để đáp ứng nhanh nhu cầu mua hàng của đối tác Trung Quốc, FADO phối hợp cùng Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tổ chức phối hợp xuất khẩu dừa tươi. Mặt khác, doanh nghiệp còn liên kết Công ty cổ phần Proship xây dựng giải pháp vận chuyển dừa tươi bằng container lạnh tự hành thế hệ mới, đảm bảo ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong suốt hành trình, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với Tiền Giang, ngày 25/10, tại Bến Tre đã diễn ra Lễ công bố xuất khẩu chính ngạch dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc. Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước với trên 80.010 ha và diện tích này không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Hiện nay Bến Tre đã có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, một chuyến tàu từ Bình Dương vừa vận chuyển 3 container dừa tươi đến Quảng Châu, Trung Quốc trị giá khoảng 220.000 Nhân dân tệ. Dự kiến, các container dừa sẽ đến nơi trong 7 ngày.
Còn tại Trà Vinh, mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt 9 vùng trồng dừa địa phương này, với tổng diện tích hơn 1.240ha và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho dừa Tiền Giang vào thị trường tỷ USD
Như vậy, ngay sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang thị trường Trung Quốc vào tháng 8/2024, tín hiệu tích cực liên tiếp đến với ngành dừa Việt Nam.
Cùng với trái dừa, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc cũng tăng tốc. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023, trong đó sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất. Khẳng định vị trí "vua trái cây", sầu riêng mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngoài sự đa dạng về chủng loại, chất lượng thơm ngon thì một trong những nguyên nhân khiến sầu riêng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy là do sản lượng của sầu riêng Việt Nam dồi dào lên tới 1,5 triệu tấn mỗi năm. Mùa thu hoạch sầu riêng rải rác quanh năm, thời gian vận chuyển sang thị trường Trung Quốc khá nhanh và giá thành hợp lý. Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và hàng chế biến cũng góp phần quan trọng vào kết quả trên.
Tăng tốc trên đường đua xuất khẩu
Theo thống kê mới nhất, trong 9 tháng của năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 148,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD.
Đáng chú ý, riêng mặt hàng rau quả, 9 tháng Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 3,79 tỷ USD, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Từ khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...
Nhận định về thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, thị trường tỷ dân này vẫn là "miền đất hứa" cho nông sản Việt Nam. Không chỉ thuận tiện về giao thông mà thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc khá gần gũi với người Việt Nam.
"Nước ta có hơn 1.450 km đường biên giới gồm đường thủy, đường bộ với Trung Quốc nên có lợi thế về chi phí logistics thấp - yếu tố cạnh tranh rất lớn so với các đối thủ khác. Điều này chính là lợi thế rất lớn để doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường bậc nhất thế giới này", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, thị trường sầu riêng Trung Quốc từ nay đến năm 2030 có thể mở rộng và đạt quy mô 10 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam nhờ lợi thế về vị trí địa lý, tận dụng được các đường biên giới để tiết giảm chi phí logistics.
Dự báo, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Cơ hội nhiều, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi ngành hàng rau quả cần phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì trong thời gian tới.