‘‘Thả nổi’’ thông tin xấu độc, đại diện TikTok Việt Nam nói gì?
Chợ phiên OCOP trên TikTok thu về 100 tỷ đồng Mạnh tay xử lý vi phạm để đưa TikTok ''đi thẳng hàng'' |
Hậu kiểm tra, TikTok vẫn tràn ngập thông tin xấu độc
Tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Một trong các vi phạm được chỉ ra, đó là TikTok đã lưu trữ các thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em… tại các máy chủ CDN tại Việt Nam.
Sau kết quả kiểm tra tới nay gần một năm, các thông tin xấu độc, giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực trên nền tảng mạng xã hội TikTok có xu hướng giảm, ít xuất hiện hơn, song vẫn còn nhiều, đặc biệt là các nội dung sai sự thật về lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời gian gần đây, trên nền tảng này cho người dùng đăng tải nhiều video xuyên tạc về tình hình chính trị Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng, công tác nhân sự…
Thông tin xấu độc vẫn xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội TikTok |
Dù là những thông tin không có tính xác thực, được thế lực thù định, cơ hội chính trị, thành phần phản động thêu dệt, đơm đặt, nhưng lại được TikTok đẩy lên xu hướng, tiếp cận nhiều người dùng, ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị, xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết: TikTok phát triển nhờ vào sự sáng tạo đa dạng của cộng đồng người dùng. TikTok luôn tạo điều kiện để người dùng thể hiện bản thân mình một cách chân thực, đồng thời vẫn đảm bảo môi trường sáng tạo an toàn trên nền tảng.
“Chúng tôi tôn trọng các yêu cầu được gửi đến chúng tôi thông qua các kênh chính thống hoặc khi được luật pháp yêu cầu. Khi nhận được yêu cầu như vậy từ các cơ quan Chính phủ, chúng tôi sẽ xem xét và quyết định hướng xử lý nội dung được yêu cầu sao cho phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng, điều khoản dịch vụ của TikTok và pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Lâm Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, từ ngày 1/3/2023, TikTok đã triển khai hệ thống Công cụ Thực thi An toàn TikTok (TikTok Safety Enforcement Tool - TSET). Hệ thống này cho phép TikTok hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn với các cơ quan, chính quyền địa phương nhằm tăng cường loại bỏ, ngăn ngừa các thông tin, nội dung độc hại, vi phạm pháp luật trên nền tảng.
TSET được thiết kế chuyên biệt, hỗ trợ các cơ quan chức năng được ủy quyền quản lý có thể dễ dàng, an toàn tiếp cận nền tảng. Hệ thống TSET không chỉ nâng cao trải nghiệm hình ảnh, mà còn cung cấp các hỗ trợ về dashboard (trang điều khiển tổng quát) và cập nhật trạng thái theo thời gian thực đối với các yêu cầu gỡ bỏ.
Ngoài ra, TikTok cũng công bố các báo cáo minh bạch hàng quý thể hiện các nỗ lực thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok. Báo cáo về yêu cầu xóa của Chính phủ cũng được công bố định kỳ vào mỗi 6 tháng.
“TikTok tôn trọng luật pháp Việt Nam và cam kết hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam nhằm tiếp tục thực thi các nỗ lực phù hợp với luật pháp sở tại, tiêu chuẩn cộng đồng và điều khoản dịch vụ của TikTok”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia cấm TikTok
Dù TikTok có lượng người dùng lớn nhưng chính phủ nhiều quốc gia đang lo ngại về vấn đề bảo mật khi mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen của người dùng.
Năm 2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok và hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới của 2 nước. Đến năm 2021, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm đối với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác có hiệu lực vĩnh viễn.
Tiếp đó Iran, Somalia, Kyrgyzstan, Nepal cũng đưa ra luật cấm hoàn toàn người dân sử dụng TikTok. Chính phủ các nước như: Anh, Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy, Canada, Australia, New Zealand đã đồng loạt cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu vì lo ngại các vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch, tương tự với các tổ chức của Liên minh châu Âu.
Riêng đối với thị trường Mỹ, ngày 24/04 vừa qua Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng đến một năm nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ. Dự luật cũng sẽ cấm ByteDance kiểm soát thuật toán của TikTok. Tuy nhiên, phản ứng từ phía TikTok lại là cảnh báo ngược rằng một lệnh cấm tiềm năng sẽ gây ra hậu quả cho 7 triệu doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Tại Việt Nam, tháng 4/2023, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trong một cuộc họp, đã phát biểu rằng, các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ không được chào đón.