Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh song song để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong dịch vụ công để xây dựng hệ sinh thái đô thị xanh, bền vững Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả |
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là cơ hội, động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu và là tương lai của toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước các rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế, nhưng đồng thời, cũng có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.
Quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp sản xuất có thể rút ngắn đáng kể nhờ chuyển đổi số |
Chuyển đổi xanh là một quá trình và đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Quá trình này có thể rút ngắn đáng kể nhờ ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số. Thực tiễn thực thi hoạt động chuyển đổi xanh trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng dữ liệu và công nghệ số của CMCN 4.0 đã thể hiện nhiều khả năng có thể cải thiện, giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đặt ra cho toàn cầu, trong đó có vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ số được coi là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh.
Theo TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn cầu đang có chung “bài toán” về phát triển kinh tế, tạo việc làm nhưng phải đảm bảo bảo vệ môi trường. “Lời giải” cho bài toán này thời gian gần đây được thảo luận đó là sự thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn ở thời điểm hiện tại được thôi thúc phát triển bởi công nghệ số, chuyển đổi số. “Sự phát triển của công nghệ số như công nghệ in 3D, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ internet vạn vật, xử lý dữ liệu… hình thành nên những sáng kiến, mô hình kinh doanh mới, để giải quyết bài toán vừa đạt được lợi nhuận trong kinh doanh nhưng vừa tiết kiệm tài nguyên, giảm chất thải, giảm tác động xấu đến môi trường theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, TS. Lại Văn Mạnh phân tích và nhận định “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là cơ hội, động lực thúc đẩy tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực”.
Nên chăng xây dựng chương trình tích hợp chuyển đổi kép gồm chuyển đổi xanh - chuyển đổi số?
Theo TS. Lại Văn Mạnh, chuyển đổi số, công nghệ số và chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là vấn đề có tính cộng sinh. Công nghệ số thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh; ngược lại, thông qua chuyển đổi xanh sẽ hạn chế những tác động xấu của chuyển đổi số, đó là giảm phát sinh chất thải, cường độ tiêu dùng, nhu cầu năng lượng. “Một trung tâm lưu trữ dữ liệu số bình quân sử dụng 2% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2023, nhưng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026 và tiếp tục tăng. Điều này cho thấy, tổng nhu cầu năng lượng và tài nguyên cho phát triển số rất lớn”, TS. Lại Văn Mạnh thông tin.
Đề xuất chương trình chuyển đổi kép gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp giảm 'dấu chân carbon' |
Còn ông Đoàn Trường Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là hai quá trình song song, cần gắn bó chặt chẽ với nhau để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất, hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế.
Làm rõ thêm mối tương hỗ này, theo ông Trần Xuân Vũ – Đại diện Enosta Group, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp sản xuất lớn, sắp tới sẽ phải thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, giảm "dấu chân carbon" trong sản xuất, sản phẩm. “Để giảm "dấu chân carbon" đối với các doanh nghiệp cần có công nghệ số để theo dõi đo lường được mức độ giảm phát thải carbon”, ông Trần Xuân Vũ nói.
Theo ông Vũ, hiện đã có những phần mềm quản lý, trong đó, có mục khai báo thực việc doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải carbon. Ngoài ra, còn có phần mềm AI đo lường mức độ sử dụng năng lượng và đưa ra khuyến nghị cho khách hàng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tối đa tiêu hao năng lượng, giảm phát thải carbon.
Nói về vấn đề này, TS. Trần Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng, trong xu thế chuyển đổi xanh trên toàn cầu, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải từng bước phải thực thi ESG (Environment, Social, Governance - bộ ba tiêu chuẩn đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng). “Doanh nghiệp phải tiến tới thực hành ESG. Tức là phải tích hợp được dữ liệu (data) trong quá trình sản xuất, cũng như có công bố dữ liệu về giảm phát thải carbon, để tiến tới được xác nhận là doanh nghiệp không carbon, doanh nghiệp xanh”, TS. Trần Quốc Việt nhận định và đề xuất “Nên chăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng một chương trình tích hợp chuyển đổi kép gồm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, với việc đầu tiên là xây dựng trung tâm dữ liệu để xác định "dấu chân carbon" ở từng phân khúc sản phẩm trong từng quy trình sản xuất, để từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải carbon”. TS. Trần Quốc Việt cũng gợi mở, việc xây dựng chương trình chuyển đổi kép này có thể có sự phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đào tạo về AI, Công nghệ thông tin trong cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, để cùng hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam.