Nhận diện thách thức trong chuyển đổi ‘kép’ của doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu Đà Nẵng: Chậm chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ ‘đi lùi’ |
Là doanh nghiệp có tiếng trong ngành dệt may, những năm qua PPJ Group luôn tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Theo ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ Group, hành trình này vô cùng thách thức. Đặc biệt, chuyển đổi ‘kép’ là thử thách và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế.
Theo đó, thế giới đang xoay quanh các yếu tố ESG (Environmental, Social and Governance) và coi đây là thước đo mới để đánh giá toàn diện việc thực hành sản xuất – kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Việc theo đuổi các chỉ tiêu này không những yêu cầu sự đầu tư về công nghệ vô cùng mạnh tay, mà còn đòi hỏi các thiết bị đo lường đặc thù đánh giá tác động môi trường (EIM). Thách thức về lộ trình phát triển bền vững này càng gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp “chậm chân” trong chuyển đổi hoặc có tiềm lực tài chính không quá mạnh mẽ.
Doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức trong chuyển đổi ‘kép’ . Ảnh minh hoạ |
Chi phí cho chuyển đổi 'kép' không hề nhỏ. “Đối với PPJ Group, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, PPJ Group đã đầu tư cho hệ thống vận hành số về phần cứng và phần mềm hơn 5 triệu USD; đầu tư công nghệ và chế tạo các thiết bị chuyển đổi xanh hàng chục triệu USD và con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đó”, ông Đặng Vũ Hùng chỉ ra. Cùng đó là khó khăn về bài toán tiêu thụ khi sản xuất xanh đã khó, tiêu thụ được sản phẩm xanh lại càng khó hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Tập đoàn TH còn chỉ ra, thách thức lớn hiện nay là tư duy chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.
Ông Ngô Minh Hải cũng cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn. Điều này không chỉ bao gồm các chính sách hỗ trợ tài chính mà còn yêu cầu việc thiết lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình sản xuất cũng như cung cấp nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả hơn trong mô hình này.
Ở góc độ vĩ mô, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn.
“Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu”, TS. Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các chuyên gia khuyến cáo, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương. Theo đó, Nhà nước xây dựng chính sách và địa phương chủ động thực hiện. Hai đối tượng bắt tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần thực hiện cùng nhau bởi có sự bù trừ cho nhau rất tốt, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp đang trông chờ 3 thứ từ Nhà nước. Trong đó, ban hành danh mục phân loại xanh để từ đó mới có cơ chế cho tài chính xanh, tín dụng xanh. Tiếp đến đề án kinh tế tuần hoàn chưa có chương trình hoặc kế hoạch cụ thể để tiền hành, điều này đã làm doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuối cùng là khơi thông nguồn lực về thể chế để hạn chế sự lãng phí và có nguồn lực đủ mạnh cho chuyển đổi.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, đó là những giải pháp ngắn hạn, trong dài hạn cần hình thành Uỷ ban năng suất quốc gia; có Luật khoa học công nghệ, Luật công nghiệp công nghệ số; hình thànhquỹ chuyển đổi xanh và cần chế tài mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực của bản thân, TS. Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia nhận định, đầu tiên cần có mục tiêu rõ ràng; thúc đẩy văn hoá sáng tạo; cần xây dựng hạ tầng số, bao gồm cả hạ tầng quốc gia và hạ tầng của doanh nghiệp.
“Trong quá trình này doanh nghiệp cần lưu ý về những mặt trái của công nghệ và có biện pháp bảo toàn thông tin doanh nghiệp; bảo vệ quyền riêng tư của nhân viên…”, TS. Thiều Phương Nam khuyến cáo.