Đà Nẵng: Chủ thể sản xuất nông sản, sản phẩm OCOP lưu ý gì khi livestream bán hàng?
Ngày hội quảng bá sản phẩm Đà Nẵng – 2024 Đà Nẵng: Nhân rộng livestream bán hàng tại các chợ truyền thống |
Chuyển tiếp mạnh mẽ bán hàng truyền thống sang thương mại điện tử
Năm 2024, từ sự hỗ trợ tích cực của Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và các đơn vị liên quan (như Hiệp hội Thương mại điện tử VECOM, các đơn vị thanh toán trực tuyến), thương mại điện tử tại TP. Đà Nẵng ghi nhận sự sôi động trong hoạt động livestream bán hàng.
Tiểu thương Đà Nẵng được hỗ trợ hướng dẫn livestream bán hàng |
Tại các chợ truyền thống như chợ Đống Đa, chợ Cồn, nhiều tiểu thương ngành hàng giày dép, quần áo đã được hỗ trợ hướng dẫn livestream bán hàng. Tiểu thương Hoàng Thị Nga Mi (kinh doanh quần áo, lô 51, đình 1, chợ Đống Đa) cho biết, bà và các tiểu thương của chợ mới được hỗ trợ tập huấn về cách thức bán hàng qua livestream. “Sở Công Thương Đà Nẵng có mời người chuyên bán hàng livestream đến tận quầy hàng của tiểu thương, mở phiên live trực tiếp và làm mẫu bán hàng giúp tôi nắm được trình tự các bước cần thực hiện trong phiên live. Thời gian tới, tôi sẽ tập dần và kinh doanh song song giữa bán hàng trực tiếp và livestream bán hàng”, bà Nga Mi chia sẻ.
Tiểu thương Đà Nẵng tự tin đứng phiên livestream bán hàng |
Nổi bật trong hoạt động livestream bán hàng là sự tham gia của ngày càng nhiều các chủ thể sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Đà Nẵng. Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vừa tham gia phiên livestream bán hàng trong chương trình “Ngày hội quảng bá giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng - 2024” do Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức (diễn ra từ ngày 13- 15/12, tại TP. Đà Nẵng) với sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia sáng tạo nội dung. Bà Nguyễn Thị Oanh - Giám đốc HTX - cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bán hàng trên nền tảng số, nhất là hoạt động livestream bán hàng.
Còn tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), trong năm 2024, đơn vị đã đầu tư nguồn lực cho hoạt động livestream, quảng bá, bán hàng trên các kênh TikTok, Facebook. Ông Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ - cho biết, việc livestream bán hàng trực tiếp cũng như đưa các video ngắn lên các kênh mạng xã hội một mặt làm tăng đơn hàng, nhưng quan trọng hơn là đã giúp đơn vị quảng bá rộng rãi hình ảnh, tăng độ nhận diện sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động quảng bá, livestream bán hàng |
Lưu ý gì khi livestream bán hàng?
KOC Lê Phương Oanh (@phuongoanh.daily) vừa tham gia chương trình “Ngày hội quảng bá giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng - 2024” với vai trò là người hỗ trợ trực tiếp các chủ thể sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Đà Nẵng bán hàng qua cách thức livestream. Phương Oanh cho biết, nhiều sản phẩm nông sản TP. Đà Nẵng vẫn chưa livestream bán hàng, mà mới chỉ bán hàng trực tiếp hoặc nếu có bán hàng trên nền tảng số, mới chỉ dừng ở những bài đăng tin đơn giản. “Nhiều doanh nghiệp mới chú trọng sản xuất sản phẩm mà chưa “kể được câu chuyện” sản phẩm trên nền tảng livestream. Điều này khiến cho doanh nghiệp bỏ qua một tệp khách hàng và cơ hội quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm rất lớn”, nhà sáng tạo nội dung Phương Oanh nói.
Theo KOC Phương Oanh, bán hàng trên nền tảng livestream mang lại hiệu quả và có lợi cho cả 2 bên: Bán hàng và mua hàng. Về bán hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ được marketing sản phẩm đến một tệp khách hàng khổng lồ, không giới hạn về không gian địa lý, tuổi tác, thời gian. Bên cạnh đó, livestream bán hàng cũng góp phần xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng. “Người tiêu dùng khi xem sản phẩm một lần sẽ biết đến sản phẩm, xem 2 lần, 3 lần sẽ dần nhớ đến sản phẩm và sau đó sẽ lựa chọn sản phẩm” - KOC Phương Oanh nói.
KOC Phương Oanh hướng dẫn các chủ thể sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Đà Nẵng bán hàng qua cách thức livestream |
KOC Phương Oanh cho rằng, để livestream bán hàng nói riêng, thương mại điện tử nói chung mang lại hiệu quả, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải đặc biệt lưu ý 2 vấn đề: Nói đúng sự thật, không thổi phồng về sản phẩm và phải “kể câu chuyện” về sản phẩm sinh động.
Trong đó, quan trọng nhất để tồn tại và bán được hàng khi livestream là phải nói đúng sự thật. Có những cơ sở sản xuất vừa livestream bán hàng đã bị khóa kênh. Một trong những lý do là bị phát hiện “thổi phồng” về sản phẩm. Vì vậy, phải nói đúng về sản phẩm của mình với người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, phải hiểu sản phẩm và “kể câu chuyện” về sản phẩm, chất lượng sản phẩm với những minh chứng rõ ràng để thuyết phục được người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng.