Đà Nẵng: Chậm chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ ‘đi lùi’
Đà Nẵng: Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp giúp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động thương mại |
Doanh nghiệp Đà Nẵng đang dần dành nguồn lực cho chuyển đổi số
Là doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã dành nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc DRC cho rằng, hiện đại hóa quá trình sản xuất là yếu tố bắt buộc để quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp Đà Nẵng tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa sản xuất |
“Chuyển đổi số là chiến lược phát triển mà mỗi doanh nghiệp phải có trong lộ trình ‘số hóa’ toàn cầu. Không ‘số hóa’, doanh nghiệp sẽ đi lùi, đồng nghĩa với việc không tồn tại được”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nhận định và cho biết, DRC đã tập trung đầu tư chuyển đổi số và chia ra từng phân khúc theo lộ trình. Đến nay, nhiều hạng mục về chuyển đổi số của công ty đã đi vào vận hành như như văn phòng số, quản trị số, sản phẩm số, bán hàng số.
Theo Tổng Giám đốc DRC, năm 2025, công ty sẽ đầu tư nhà máy số, nhà máy thông minh – đây là phần hạng mục lớn nhất, cần nguồn lực nhiều nhất trong lộ trình chuyển đổi số của công ty. “Khối lượng công việc cũng như nguồn lực cho nhà máy số, nhà máy thông minh sẽ rất lớn, nhưng doanh nghiệp chấp nhận để về sau khi số hóa thành công, đi vào vận hành nhà máy thông minh chắc chắn sẽ tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian đầu tư và chuẩn bị cho quá trình sản xuất, giúp cho năng lực cạnh tranh tốt hơn”, Tổng Giám đốc DRC chia sẻ và cho biết thêm, từ những đầu tư cho chuyển đổi số ban đầu đã góp phần tích cực vào tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Đến thời điểm hiện tại, DRC có thể tự tin đảm bảo về đích đạt, vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm 2024”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt thông tin.
Tương tự, theo ông Nguyễn Thanh Minh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là công cụ để doanh nghiệp vận hành, tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì vậy, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn ưu tiên dành nguồn lực đổi mới máy móc thiết bị và chuyển đổi số trong quản trị và vận hành sản xuất.
Năm 2025, Công ty CP Cao su Đà Nẵng sẽ đầu tư nguồn lực lớn để 'số hóa' nhà máy sản xuất |
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp cũng đề xuất mong muốn sẽ có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Đại diện Công ty Minh Thịnh Lợi cho biết, trước đây, doanh nghiệp cũng đã “lò dò” tìm hướng để chuyển đổi số, tuy nhiên, vẫn chưa thành công. “Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về hướng và phương án chuyển đổi số phù hợp với quy mô, loại hình doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chúng tôi có động lực cũng như tự tin hơn trong đầu tư chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Minh đề xuất.
Xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, thúc đẩy chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những nỗ lực này nằm trong chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, với tầm nhìn đến năm 2045.
Quản trị số và điều hành số tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng |
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là việc thí điểm mô hình nhà máy thông minh. Thành phố cũng ban hành nhiều nghị quyết, đề án để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêu biểu như Sở Công Thương thành phố phối hợp với Samsung Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho một số doanh nghiệp thành phố chuyển đổi số, phát triển nhà máy thông minh với những kết quả bước đầu rất khả quan.
“2 doanh nghiệp năm 2023 được hỗ trợ cải tiến mô hình nhà máy thông minh đã nâng cao rõ rệt hiệu suất sản xuất và khả năng cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Trừ nói và cho biết thêm năm 2024, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 3 doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, phát triển nhà máy thông minh. “Sở Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số vào trong quản lý và điều hành sản xuất, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của thành phố, từ đó, tăng lợi thế cạnh tranh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng thông tin.
Theo đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
“Hiện nay, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 2 đề án để trình UBND thành phố phê duyệt gồm Đề án hỗ trợ sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp; và Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. Trong quá trình xây dựng, Sở Công Thương kỳ vọng có sự tham gia góp ý từ phía các doanh nghiệp, các Sở, ngành liên quan để các Đề án sát thực tiễn và có tính hiệu quả”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn Trừ thông tin.
Chuyển đổi số tại TP. Đà Nẵng đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Quy mô kinh tế số trên địa bàn thành phố năm 2023 chiếm 20,69% GRDP, vượt chỉ tiêu thành phố đặt ra đến năm 2025 là 20%. |