Đại biểu Quốc hội: Phải cấp phép cho thuốc bán online, đừng nên 'không quản được thì cấm'
Thuốc quảng cáo sai phải công khai cho người dân biết
Sáng 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Góp ý vào dự luật, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bày tỏ đồng ý hoàn toàn với việc cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, bởi việc này đã và đang diễn ra.
Đại biểu dẫn chứng người mua thuốc chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua Zalo đến cửa hàng, thuốc sẽ được ship đến người dân mà không gặp bất cứ khó khăn gì... Vì vậy cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để quản lý.
"Theo tôi, đầu tiên cần khẳng định thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Quochoi |
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, thuốc bán qua thương mại điện tử bao gồm thuốc không cần kê đơn (OTC) và thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (sổ khám bệnh và bệnh án điện tử).
Đại biểu cũng đề xuất nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành và thẩm định, cấp phép. Do đó, nên bắt đầu thử nghiệm tại các nhà thuốc của bệnh viện đã được triển khai đầy đủ bệnh án điện tử (EMR).
Theo đại biểu, Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
"Những thuốc quảng cáo sai không đúng sự thật cần công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web và app (ứng dụng) của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy mới giảm dần tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội. Đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc", đại biểu Hiếu đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
Quản lý chặt việc bán thuốc online
Cũng đề cập đến việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc này rất phù hợp với xu thế hiện nay. Song theo bà Hà, cần quy định rõ ràng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Dự thảo quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn, thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc…
"Nếu quy định như dự thảo có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và sẽ thực hiện giao dịch mua bán ở chỗ khác", bà Hà nêu vấn đề.
Theo bà, dự thảo cần sửa đổi theo hướng "chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử" như kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, kinh doanh thuốc bằng hình thức thương mại điện tử trong điều kiện hiện nay "là một điều vô cùng cần thiết", nhưng thực tiễn cũng còn khoảng trống pháp lý.
Song theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thuốc là mặt hàng đặc thù, nên dự thảo luật chỉ cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Thêm nữa, dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc…
"Các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử vẫn là những doanh nghiệp đang hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược", bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh và khẳng định không phải chúng ta mở tung cho tất cả các loại thuốc, còn những chỗ nào sai quy định thì có các cơ quan để xử lý.