Lâm Đồng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về chỉ số phát triển thương mại điện tử
Chiều 25/11, ông Hoàng Trọng Hiền – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2024, theo xếp hạng của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh, thành phố và đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt. Do đó, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và duy trì được 37 nhãn hiệu, trong đó, 34 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền, 03 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Sản phẩm thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng được quan tâm
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp 771 giấy chứng nhận nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, trong đó 482 nhãn hiệu còn hạn (có 438 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 37 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 7 cơ sở kinh doanh cà phê). Riêng, nhãn hiệu Cà phê Cầu đất có 22 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận, 47 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” được cấp giấy chứng nhận và 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được nhiều doanh nghiệp quan tâm đăng ký và sử dụng, số lượng người tiêu dùng tìm và sử dụng sản phẩm mang thương hiệu ngày càng tăng.
Tỉnh Lâm Đồng có 771 nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp giấy chứng nhận Ảnh: Lê Sơn |
Theo ông Hiền, mục tiêu của việc phát triển thương hiệu Việt là nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước; hàng năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, để có kế hoạch hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
47 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Lê Sơn |
Thông qua các cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 275 sản phẩm (bộ sản phẩm cấp huyện) và 100 sản phẩm (bộ sản phẩm cấp tỉnh), 38 sản phẩm (bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và 18 sản phẩm (bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia).
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích các cá nhân có tay nghề cao đóng góp công sức phát triển các nghề truyền thống sản xuất ra những sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận danh hiệu Nghệ nhân tỉnh cho 10 nghệ nhân thuộc các nghề: thêu, dệt thổ cẩm, chạm khắc mỹ nghệ, chế tác gỗ, đá thủ công mỹ nghệ, sản xuất tranh bướm nghệ thuật, dệt và chế tác thổ cẩm truyền thống, tranh cưa lọng; trong đó 01 nghệ nhân ưu tú thuộc nghề thêu. Qua đó, duy trì, bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống của địa phương.
Lâm Đồng đứng đầu 05 tỉnh Tây Nguyên về phát triển thương mại điện tử
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các ngành trong tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho công chức, viên chức và đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đoàn viên thanh niên,...tuyên truyền việc thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thông báo website bán hàng để các doanh nghiệp trong tỉnh biết và thực hiện; thường xuyên khuyến cáo người dân đề phòng các hành vi lừa đảo qua mạng, khuyến cáo việc lựa chọn các trang uy tín để giao dịch, mua bán; tuyên truyền và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán bằng các phương thức điện tử.
Lâm Đồng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Lê Sơn |
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có 08 website cung cung dịch vụ thương mại điện tử đã được xác nhận, 248 website bán hàng đã được duyệt, 02 ứng dụng cung cấp dịch vụ đã được xác nhận, 04 ứng dụng bán hàng đã được duyệt.
Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương trên nền tảng số phục vụ xuất khẩu được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia nhiều nhất là alibaba. Tuy nhiên, số lượng tham gia vẫn còn hạn chế, có khoảng 80 gian hàng của tỉnh trên alibaba. Thời gian tới, thông qua các chương trình hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng doanh thu, giảm chi phí quảng cáo và marketing toàn cầu, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, tăng lợi thế cạnh tranh.
Năm 2024, theo xếp hạng của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh, thành phố (5 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La không xếp hạng) về chỉ số phát triển thương mại điện tử, bằng với xếp hạng năm 2023. Đặc biệt, chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) xếp hạng 7/58.Tất các chỉ số thành phần năm 2024 đều tăng so với năm trước. Trong đó, chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tăng 18 bậc; chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tăng 5 bậc; chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tăng 01 bậc.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng tuy thuộc nhóm phát triển thương mại điện tử chỉ ở mức trung bình của cả nước, nhưng lại đứng đầu trong 05 tỉnh Tây Nguyên và đang duy trì, hình thành mới một số trang thương mại điện tử của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và xúc tiến thương mại như: dalat-info.gov.vn, dalatkettinhkydieutudatlanh.vn, nongsandalatlamdong.vn, dalatproducts.com.