Doanh nghiệp Việt chủ động ứng dụng hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử
Hợp đồng điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử 2023 là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử 2023 không chỉ đơn thuần là một quy định pháp lý mà còn là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho các công nghệ tiên tiến, như chữ ký số, dấu thời gian và định danh điện tử.
Điều này cho thấy tầm nhìn xa của Chính phủ trong việc hiện đại hóa hệ thống giao dịch thương mại, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững cho thương mại điện tử trong bối cảnh loại hình này giao dịch hiện đại này có tốc độ tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Ảnh minh họa |
Việt Nam hiện đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (gọi tắt là CeCA) đã được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này. Vai trò của các tổ chức trên là bảo đảm về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng, giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn. Các CeCA sẽ cung cấp một hạ tầng số giúp doanh nghiệp, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bằng các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan. Những tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và tạo niềm tin cho các bên tham gia, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp. Những số liệu này đã minh chứng cho sự phát triển tích cực đầy hứa hẹn của dịch vụ này. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng khẳng định luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững.
Mới đây, tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thúc đẩy giao thức hợp đồng điện tử đúng pháp luật, đem lại lợi ích chính đáng cho các bên tham gia cũng như phát huy được cơ sở dữ liệu đã được tích hợp, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế như chi phí cao, thủ tục phức tạp và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…).
Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.
Đồng thời, tạo ra một sân chơi mà ở đó, doanh nghiệp số Việt Nam có cơ hội tận dụng các lợi thế công nghệ, am hiểu môi trường kinh doanh và tâm lý người dùng để thúc đẩy hoạt động hợp đồng điện tử.