Mạnh tay xử lý vi phạm để đưa TikTok ''đi thẳng hàng''
Quý cuối cùng của năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận kiểm tra, chỉ ra hàng loạt vi phạm của nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới TikTok.
Theo kết luận kiểm tra, TikTok đã lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN đặt tại Việt Nam, bao gồm: Thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em; để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam một phần đến từ quy trình kiểm duyệt nội dung trên nền tảng TikTok chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ...
Sau kiểm tra, đến nay đã hơn nửa năm, hoạt động của nền tảng TikTok trên lãnh thổ nước ta vẫn chưa "đi thẳng hàng". Hàng ngày vẫn xuất hiện không ít những video, clip có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đời tư, không phù hợp thuần phong mỹ tục, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy cho an ninh quốc gia.
Hàng loạt sai phạm của nền tảng số Tiktok ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng. Ảnh: Getty |
Trao đổi với Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý, vi phạm quyền riêng tư của người dùng, có thể bị xử lý do vi phạm về bản quyền và các quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11; vi phạm Điều 20, 21 Hiến pháp năm 2013; vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền bất khả xâm phạm, khi sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự đồng ý của người đó, trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc các nền tảng xuyên biên giới không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là đang vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Thế nhưng đoàn kiểm tra không thể xử phạt hoạt động của TikTok vì các hoạt động cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam được thực hiện trực tiếp bởi TikTok Singapore thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.
"TikTok Singapore mới là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Chế tài xử phạt cho hành vi này là chưa có, bởi lẽ chúng ta không thể phạt một doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó mang quốc tịch nước ngoài", luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Luật sư Bình cũng chỉ ra nguyên nhân các thước phim sai sự thật, trái đạo lý trên TikTok có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi “lách” các công cụ kiểm soát trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
“Pháp luật chưa có quy định về việc cấm mạng xã hội được xử dụng thuật toán. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật toán để thực hiện những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về an ninh mạng thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý cụ thể nhằm quản lý, giám sát và xử lý trước thực trạng này nhằm phòng, chống các vi phạm liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng”, ông Bình nhận định.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho biết: “Hiện tại, pháp luật chỉ mới quy định về trách nhiệm tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân của các bên có liên quan trong quá trình xử lý dữ liệu (gồm thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân), còn bộ khung “chế tài” thì tạm thời chưa đầy đủ và chưa rõ ràng”.
Về việc các TikToker cố tình xuyên tạc, kích động, chống phá, bóp méo sự thật, cố tình hướng lái dư luận theo chiều hướng xấu, luật sư Nguyễn Thế Truyền dẫn quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng 2018 và khẳng định, đây là những hành vi vi phạm pháp luật.