Tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng hợp tác Việt Nam - Bỉ
"EU-Mutrap là một điển hình về hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam-EU" Việt Nam-Cộng hòa Séc tăng cường hợp tác hiệu quả, thực chất |
Năm 2023 là một năm đặc biệt ghi dấu 50 năm Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973 - 22/3/2023). Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Bỉ tuy là một quốc gia nhỏ, dân số chỉ hơn 10 triệu người, nhưng tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ rất lớn. Trong nửa thế kỷ qua, hai nước đã cùng nhau hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, xây dựng được nền tảng quan hệ hợp tác vững chắc và toàn diện từ chính trị, ngoại giao cho đến quan hệ về kinh tế và quan hệ về văn hóa, giao lưu nhân dân. Đến nay, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Về mặt kinh tế, xuất nhập khẩu giữa Bỉ và Việt Nam đã có mức tăng trưởng đột biến. Sau khi chúng ta có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ đã đạt trên 6 tỷ euro, đạt mức tăng trưởng 60% so với mức 3,9 tỷ euro năm 2021. Đây là sự khẳng định tiềm năng, thế mạnh của chúng ta với Bỉ.
Theo số liệu của Bỉ, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều trên 6 tỷ euro, tăng 60% so với 2021. Về đầu tư, Bỉ có 82 dự án, tổng vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với một số dự án tiêu biểu như Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Khu công nghiệp Cảng quốc tế Hải Phòng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo hội đàm tháng 12/2022 |
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Bỉ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, cũng là Đối tác chiến lược về nông nghiệp từ năm 2018. Bỉ có thế mạnh rất lớn về công nghệ cao, nhất là trong nông nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong khi đó, Việt Nam có chủ trương, chính sách phát triển những lĩnh vực này, có thế mạnh về vị trí địa chính trị, tiềm năng thị trường, lao động, nguyên liệu, có sức bật năng động của nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ.
Về hợp tác nông nghiệp, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, Việt Nam và Bỉ có cơ cấu mặt hàng nông nghiệp bổ trợ cho nhau. Trong đó, Bỉ là 1 trong 2 nước ở châu Âu rất có thế mạnh về nông nghiệp. Nhưng quan trọng hơn để hướng tới hợp tác nông nghiệp với Bỉ là hợp tác theo cả một chuỗi giá trị, từ cây trồng, con giống, thức ăn chăn nuôi cho đến phát triển, đóng gói.
Bên cạnh đó, với vị trí là trung tâm châu Âu, Bỉ có thế mạnh về thu hút được tất cả những công nghệ cao của châu Âu, trong đó có vấn đề về sản xuất chip bán dẫn. Hiện nay với tình hình cung ứng về chip trên toàn cầu khan hiếm, có thể nói đây là kinh nghiệm, chính sách lựa chọn hết sức đúng đắn của Bỉ - Đại sứ Nguyễn Văn Thảo thông tin và nhấn mạnh, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Bỉ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu và phát triển sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Điều này sẽ là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những vấn đề như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Bỉ cũng là một quốc gia có thế mạnh về kinh tế tuần hoàn dựa trên thế mạnh từ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam và Bỉ đang hợp tác để phát triển điện sinh khối, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng "chúng ta có thể sản xuất than hoạt tính, phát triển than hoạt tính từ gáo dừa và các phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp, điều này vừa giúp giữ được môi trường, tăng thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển".
Từ đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhận định, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ còn rất lớn và để tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam cần chuẩn bị một kế hoạch kỹ lưỡng và có đầu tư phù hợp. Phía Bỉ đã sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Cùng với đó, Bỉ đang là nhà tài trợ ODA cho Việt Nam từ năm 1977, lên tới 20 - 25 triệu euro/năm. Hiện Bỉ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đại học, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân... Cùng với hợp tác cấp Chính phủ liên bang, hợp tác giữa Việt Nam với các vùng của Bỉ cũng đạt nhiều thành tựu tích cực. Các vùng Wallonie và Flanders có đại diện chính thức tại Việt Nam. Nhiều địa phương của Việt Nam đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các vùng của Bỉ.
Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Bỉ phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực, quốc tế, như Liên hợp quốc, Francophonie, ASEM... Hai nước cùng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Ủy viên Hội đồng nhân quyền 2023-2024 và đã hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin. Bỉ cũng có vai trò và tiếng nói rất quan trọng trong EU, sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU nửa đầu năm 2024, nên hai bên càng có điều kiện hợp tác, trong các khuôn khổ EU và ASEAN.
Việt Nam - Bỉ là Đối tác Chiến lược nông nghiệp từ năm 2018, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 12/2022), kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ (tháng 11/2022), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Wallonie - Bruxelles (tháng 10/2022)... Sắp tới là chuyến thăm Việt Nam của Hoàng hậu Bỉ với tư cách là Nhà bảo trợ tổ chức UNICEF Bỉ (tháng 5/2023), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng - Thủ hiến Vùng Flanders cùng đoàn doanh nghiệp (tháng 9/2023). |