Sữa Cô gái Hà Lan: Lợi nhuận "bốc hơi" 85,8%, cắt giảm nhân sự
Doanh nghiệp sữa cô gái Hà Lan hưởng ứng ngày môi trường Thế giới tại tỉnh Bình Dương |
Trong khi nhiều ngành nghề khác chứng kiến sự áp đảo của doanh nghiệp ngoại thì ngành sữa lại ngược lại. Doanh nghiệp nội đang thực sự làm chủ thị trường. Những cái tên tiên phong đang dần phải thu hẹp thị phần. Trong đó, Cô gái Hà Lan chứng kiến sự sụt giảm rất lớn về doanh thu.
Kết quả là năm 2022, công ty cắt giảm nhân sự và nợ lương người lao động.
Lợi nhuận giảm 85,8% sau 5 năm
Sữa Cô gái Hà Lan (Dutch Lady) là nhãn hiệu sữa thuộc sở hữu của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Trong vài năm gần đây, xu hướng quen thuộc của FrieslandCampina Việt Nam là doanh thu và lợi nhuận cùng nhau sụt giảm.
Cụ thể, theo các báo cáo tài chính, năm 2022, FrieslandCampina Việt Nam đạt 5.894 tỷ đồng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 317 tỷ đồng, tương đương 5,1% so với năm 2021.
Trước đó, doanh thu của FrieslandCampina Việt Nam khá thăng trầm khi đạt 7.290 tỷ đồng (năm 2017), 6.501 tỷ đồng (năm 2018), 6.632 tỷ đồng (năm 2019) và 6.397 tỷ đồng (năm 2020).
Như vậy, chỉ sau 5 năm, doanh thu của FrieslandCampina Việt Nam giảm tới 1.396 tỷ đồng, tương đương 19,1%.
Lợi nhuận của FrieslandCampina Việt Nam có tốc độ giảm thậm chí còn mạnh hơn doanh thu. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty chỉ đạt 115 tỷ đồng, giảm 308 tỷ đồng, tương đương 72,8% so với năm 2021.
Đây không phải lần đầu tiên lãi ròng tại FrieslandCampina Việt Nam tăng trưởng âm. Trong 5 năm trước đó, chỉ tiêu của doanh nghiệp này thường xuyên đi lùi, và lần lượt đạt: 810 tỷ (năm 2017), 792 tỷ đồng (năm 2018), 758 tỷ đồng (năm 2019), 871 tỷ đồng (năm 2020) và 423 tỷ đồng (năm 2021).
Ảnh minh họa |
Sau 5 năm, lợi nhuận sau thuế của FrieslandCampina Việt Nam giảm 85,8%. Tốc độ giảm về lợi nhuận cao gấp 4,5 lần so với tốc độ giảm doanh thu.
Dòng tiền âm nặng
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận “cài số lùi”, tổng tài sản của FrieslandCampina Việt Nam cũng hao hụt nhiều sau 5 năm.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, tài sản của FrieslandCampina Việt Nam chỉ đạt 2.090 tỷ đồng, giảm 368 tỷ đồng, tương đương giảm 15% so với cuối năm 2021. Còn so với năm 2017, chỉ tiêu này giảm tới 744 tỷ đồng, tương đương 26,2%.
Có thể thấy, sau 5 năm, FrieslandCampina Việt Nam chứng kiến doanh thu giảm 19,1%, lợi nhuận hao hụt 85,8% và tài sản giảm 26,2%.
So với năm 2021, phần hao hụt tài sản của công ty chủ yếu liên quan đến tiền. Trong đó, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 597 tỷ đồng xuống 456 tỷ đồng; Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ hơn 295 tỷ đồng xuống chỉ còn 0 đồng.
FrieslandCampina Việt Nam không thuyết minh vì sao các chỉ tiêu liên quan đến tiền giảm mạnh. Tuy nhiên, theo bảng lưu chuyển tiền tệ, tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty là âm 423 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số âm 750 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
423 tỷ đồng là “Tiền lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu”. Chủ sở hữu của công ty là FrieslandCampina Việt Nam Holding B.V (nắm giữ 70% vốn công ty, tương đương 206,4 tỷ đồng) và Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương – Công ty cổ phần (nắm giữ 30% vốn, tương đương 88,5 tỷ đồng).
Có thể thấy, tổng vốn góp của cổ đông là gần 295 tỷ đồng nhưng cổ đông lại được nhận tới 423 tỷ đồng trong năm 2022 và 750 tỷ đồng trong năm 2021.
Kết quả là hồi cuối năm 2022, FrieslandCampina Việt Nam ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 141 tỷ đồng.
Cắt giảm nhân sự, từng nợ lương người lao động
Khi doanh thu, lợi nhuận và tài sản cùng nhau suy giảm mạnh, trong năm 2022, FrieslandCampina Việt Nam đã mạnh tay cắt giảm nhân sự. Cùng với đó, công ty ghi nhận phải trả người lao động hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, công ty có 773 nhân viên, giảm 41 người, tương đương 5% quy mô nhân sự. Dù sa thải nhiều nhưng FrieslandCampina Việt Nam lại tăng nợ người lao động.
Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu phải trả người lao động của công ty tăng 16 tỷ đồng, tương đương 33,7% so với cuối năm 2021. Chỉ tiêu này thể hiện “Khoản lương tháng 13 và thưởng phải trả cho nhân viên công ty”.
Bên cạnh đó, FrieslandCampina Việt Nam cũng ghi nhận thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 26,1 tỷ đồng. Cuối năm 2021, chỉ tiêu này lên đến 108 tỷ đồng.