Hành trình thua lỗ của đường sắt Việt Nam
Lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng
Trong nửa đầu năm 2024, giá vé máy bay tăng quá cao đã trở thành vấn đề nóng của nền kinh tế vì ảnh hưởng tiêu cực tới rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đường sắt lại là ngành được hưởng lợi vì người dân có xu hướng chọn đi tàu thay vì máy bay để tiết kiệm.
Tuy nhiên, các số liệu thực tế cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có tăng trưởng nhưng không đột biến như kỳ vọng. Theo đó, nửa đầu năm 2024, doanh thu toàn tổng công ty đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của VNR không được công bố nhưng thực tế cho thấy tổng công ty này hoặc thua lỗ thảm hoặc nếu có lãi, hiệu quả sử dụng vốn vẫn rất khiêm tốn nên tới cuối năm 2023, VNR chưa xóa được lỗ lũy kế.
Cụ thể, trong năm 2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNR đạt 8.806 tỷ đồng, tăng 763 tỷ đồng, tương đương 9,5% so với năm 2022. Do các chi phí tăng chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VNR đạt 76,8 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 112 tỷ đồng trong năm 2022.
Dù không lỗ trong năm 2023 nhưng hiệu quả sử dụng vốn của VNR là rất thấp khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2023 chỉ đạt 0,34%, thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm.
Đường sắt Việt Nam chìm sâu trong thua lỗ. |
Trước đó, VNR có hành trình dài thua lỗ với các khoản lỗ 586 tỷ đồng (năm 2021) và 1.300 tỷ đồng (năm 2020). Chính vì vậy, khoản lợi nhuận khiêm tốn 76,8 tỷ đồng của năm 2023 chưa thể bù đắp cho 3 năm bê bết trước đó. Kết quả là tại ngày 31/12/2023, VNR gánh lỗ lũy kế 2.080 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2022 là 2.086 tỷ đồng.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8829/BTC – TCDN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ GTVT; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty.
Bộ Tài chính đánh giá: “Theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty”.
Gánh 231 tỷ đồng nợ xấu
Trong khi dòng tiền yếu, VNR phải gánh nợ xấu. Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu của VNR là 231 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị có thể thu hồi được xác định chỉ là 11,7 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư Thiết bị đường sắt là “con nợ xấu” lớn nhất với 51,3 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi chỉ là 0 đồng. Đứng sau là Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt với 12,2 tỷ đồng (giá trị có thể thu hồi là 0 đồng).
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư Thiết bị đường sắt (Virasimex) thành lập ngày 17/6/2005 với người đại diện pháp luật là ông Tống Đức Sơn. Năm 2015, VNR công bố thông tin thoái vốn khỏi Virasimex.
Trước khi VNR thoái vốn khỏi Virasimex, báo cáo tài chính quý 3/2015 là báo cáo cuối cùng được Virasimex công bố với những số liệu kém lạc quan. Theo đó, tại ngày 30/9/2015, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 31,2 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên đến 146 tỷ đồng. Công ty gánh lỗ lũy kế 1,6 tỷ đồng.
Đứng sau Virasimex về nợ xấu tại VNR là Công ty cổ phần Đầu tư TM Đường sắt Đông Dương. Công ty này đang gây nợ xấu cho VNR 37 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi chỉ là 2,4 tỷ đồng.
Thế nhưng, nổi bật nhất lại là một cá nhân. Ông Ngô Trường Giang gây nợ xấu 24 tỷ đồng cho VNR. Giá trị có thể thu hồi chỉ là 2,2 tỷ đồng, con số này cuối năm 2022 là 4,7 tỷ đồng.
Bên cạnh nợ xấu, các khoản phải thu của VNR cũng gây chú ý. Hồi cuối năm 2023, VNR ghi nhận 1.804 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, tăng nhẹ so với 1.678 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Trong đó, VNR có khoản phải thu lên tới 1.046 tỷ đồng với Cục Đường sắt Việt Nam.