Sau 3 năm, Hiệp định CPTPP đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới trong hội nhập kinh tế quốc tế
Doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP |
Kết quả ấn tượng
Sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết: "CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước ngoặt trong hội nhập kinh tế của nước ta".
Sau 3 năm, Hiệp định CPTPP đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới trong hội nhập kinh tế quốc tế |
Mặc dù có nhiều ý kiến e ngại về hiệp định nhưng sau quá trình thực thi đã triển khai tự tin hơn, với nhiều cơ hội, thách thức mà hiệp định mang lại. Trong đó, ngay năm đầu tiên tại Canada và Mexico, xuất khẩu đạt tăng trưởng gần 30%, duy trì xuất siêu trên 1 tỉ USD. Sau 3 năm thực thi, nhiều thị trường mới mở đã tăng trưởng duy trì cao. Kết quả, trong những tháng đầu năm 2022 xuất khẩu sang khối thị trường này đạt xuất siêu khoảng 6 tỉ USD. Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định, "đây cũng là hiệp định lần đầu tiên đưa Việt Nam có vị thế mới trong quá trình hội nhập".
Ông Lương Hoàng Thái cũng cho biết, một số lo ngại việc phê chuẩn hiệp định trước đây, nhưng sau khi đi vào thực thi thì nhiều nước đã xin gia nhập CPTPP, như Anh. Lần đầu tiên trong đời đi làm hội nhập, mình được ngồi trong ban giám khảo để xét đơn gia nhập của các đối tác lớn như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy vị thế của CPTPP được cải thiện.
Đơn cử, điện là ngành hàng dẫn đầu tận dụng tốt CPTPP. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện Việt Nam, doanh nghiệp điện tử Việt Nam không trực tiếp xuất khẩu mà chủ yếu xuất qua chuỗi cung ứng ngành điện tử, làm hàng gia công. Tuy không có thương hiệu nhưng việc tham gia chuỗi cung ứng và tận dụng lợi thế xuất khẩu trong CPTPP đã mang lại nhiều hiệu quả cao. Đó là việc giúp doanh nghiệp điều chỉnh năng lực sản xuất, năng lực thiết bị, chuỗi cung ứng, kỹ năng quản trị và thị trường một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Tận dụng cơ hội
Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc khối nội chính - truyền thông - đối ngoại, Tập đoàn PAN - cho biết đã tận dụng hiệu quả CPTPP, tập trung xuất vào các thị trường như Nhật Bản, Canada, Úc. Theo đó, CPTPP là cú hích giúp doanh nghiệp có cơ hội đi sâu hơn vào các thị trường này, lợi thế cạnh tranh tốt hơn, chuyển từ sản xuất thô sang sản phẩm có thương hiệu...
Ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, Hiệp định CPTPP thực thi đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường mới chưa từng có FTA tại khu vực châu Mỹ. Rõ ràng, Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico..
"Những thị trường mới ở trong khu vực CPTPP là có nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ Canada, mỗi năm nhập khẩu 500 tỷ USD hàng hóa, thuộc nhóm 15 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất thế giới. Hay Mexico hàng năm cũng nhập tới 400 tỷ USD. Với ưu đãi thuế quan giảm dần theo lộ trình trong CPTPP, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ngoại khối tại 2 thị trường này" - ông Hoàn cho hay.
Xét một cách toàn diện, CPTPP đã đem lại một lợi thế thuế quan 10-20% cho hàng hóa của Việt Nam đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực. Con số 12% là con số rất lớn và nó đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất rõ rệt cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, với hàng dệt may, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu xuống còn 0% ngay trong vòng ba năm kể từ khi bắt đầu thực thi hiệp định, đến thời điểm hiện tại thì thuế đã về 0% với toàn bộ các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu đáp ứng được các loại, quy tắc xuất xứ sang Canada. Tương tự, thuế với các mặt hàng thủy sản sang Canada cũng đã về 0%.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, sau hơn 3 năm thực thi CPTPP, hiện 10 nước thành CPTPP đang chiếm đến 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2021, tỷ trọng này là 25%, cho thấy độ phủ sóng của thủy sản Việt tại khu vực thị trường này càng rõ hơn.
Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng theo ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho hay, doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số khó khăn nên để duy trì tăng trưởng là một thách thức không nhỏ. Đó là vấn đề khoảng cách địa lý, chi phí logistics, vận tải tăng, yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, sử dụng lao động...
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều thay đổi, những lợi thế người đi đầu của Việt Nam không còn kéo dài, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa để khai thác CPTPP, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan theo các cam kết trong hiệp định này. "CPTPP là hiệp định lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực thi một cách bài bản. Giai đoạn ba năm là giai đoạn chạy đà và là giai đoạn Việt Nam có được ưu đãi hơn các nước khác và lợi thế này sẽ dần giảm đi, nên cần phải tận dụng tối đa thời cơ để khai thác các lợi thế này" - ông Lương Hoàng Thái đề nghị.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành địa phương tiếp tục tập trung để giải quyết những khó khăn kể trên. Mục tiêu là đưa CPTPP là động lực cho tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.