Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019: Nỗ lực tạo môi trường kinh doanh ổn định
Đây là diễn đàn thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp.
Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều giữa các lĩnh vực.
Trong đó, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai nội dung được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất. Ngược lại, vấn đề về phá sản doanh nghiệp, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.
Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%.
Ở lĩnh vực thuế, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.
Ở lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan: các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục.
Đáng lưu ý, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, với cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp đồng ý). Có tới 39% doanh nghiệp cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.
Một điểm sáng năm 2019, theo các doanh nghiệp, là thực tiễn làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được cải thiện tốt. Tuy nhiên, việc thiếu công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin về đất đai đang trở thành vấn đề lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp;
Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, sau 5 năm giảm liên tục (từ 60% năm 2013 xuống 36% năm 2017) thì năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp đã tăng trở lại, lên mức 45% năm 2018.
Đáng lưu ý, có một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách giảm liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được thay đổi chính sách tăng từ 42% trong năm 2014 lên 67% trong năm 2018.
Vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm trên tất cả các lĩnh vực, trừ phân bổ nguồn lực đất đai.
Trong khi đó, những thay đổi về chính sách ảnh hưởng trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan ngại về những thay đổi liên quan đến chính sách thuế. Sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao, đặc biệt là trường hợp của thuế tiêu thụ đặc biệt, thực sự ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp là đối tượng của loại thuế này mà còn đối với rất nhiều ngành công nghiệp có liên quan cũng như toàn nền kinh tế.
“Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách thuế cũng cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Sau ông Vũ Tiến Lộc, đại diện của 7 hiệp hội doanh nghiệp, thương mại nước ngoài sẽ phát biểu ý kiến. Tiếp đó, diễn đàn sẽ tiếp tục có 3 phiên thảo luận (về điều tiết cho sự bền vững; phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới) trước khi nghe phát biểu của lãnh đạo Chính phủ.