Đồng bằng sông Cửu Long: Cần tổ chức lại sản xuất và vấn đề an ninh lương thực
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 vừa công bố cho thấy điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020 - 2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Đáng chú ý, xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.
ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với nông dân |
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ - cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng - đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là - 0,8% và -1,8%. Đặc biệt, báo cáo còn chỉ ra 11 thách thức lớn nằm ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường mà vùng phải đối diện. Trong đó, về phương diện kinh tế, nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hóa, vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, là rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Về phương diện xã hội, thách thức đầu tiên là thiếu việc làm ở nông thôn, kế đến là tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP. Hồ Chí Minh. Còn về phương diện môi trường, vùng đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.
Trong bối cảnh đó, để vùng ĐBSCL bước sang giai đoạn mới phát triển hơn, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright chia sẻ rằng: Vùng cần xác định kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường là 4 trụ cột trong mô hình phát triển. Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung khắc phục các điểm nghẽn cơ bản như cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, liên kết sản xuất, kết nối với thị trường cao cấp hơn, kết nối số, chuyển đổi số... Đặc biệt, ngành nông nghiệp nếu muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất. Cũng phải thay đổi được tư duy liên kết vùng, liên vùng, trong đó không thể bỏ qua vai trò và sự kết nối vô cùng cấp thiết với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và các vùng miền khác trong cả nước.
Trên thực tế, nhìn nhận những điểm mạnh- yếu của vùng, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2/2022 đã đưa ra mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế là tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỉ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20%- 25% vào năm 2030. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm.
Tuy nhiên, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để Quy hoạch này được nhanh chóng thực thi, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển, cần các chính sách đi kèm mang tính thực tiễn. Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ các nhà đầu tư quốc tế từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới…
Chẳng hạn dưới góc nhìn của một nhà sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định: Chúng ta phải thay đổi tư duy, không trồng sản lượng nhiều nữa mà hãy nâng cao chất lượng theo nhu cầu của các nước. Chúng ta cần làm cơ chế chính sách làm sao cho có thật nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với nông dân.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL thì với việc khai thác thế mạnh kinh tế nông nghiệp vùng cần định hình lại tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp dựa trên phương án sử dụng tài nguyên nông nghiệp tự nhiên một cách phù hợp với từng vùng, liên vùng, theo hướng thuận thiên.