Thừa Thiên Huế: Chính quyền luôn ‘‘sát cánh’’ cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế gặp mặt các doanh nghiệp vừa mới diễn ra, trong phần trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi trực tiếp cho Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, các Sở, ban ngành liên quan về các vấn đề hỗ trợ thuê đất, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu thuỷ sản, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi…
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì phần trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp |
Cụ thể, Công ty CP Công nghệ Frit Phú Sơn hiện đang có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sớm triển khai việc cho thuê đất để Công ty đầu tư mở rộng dự án tại KCN Phú Đa, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH MTV Đầu tư và chế biến khoáng sản Phenikaa Huế đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có phương án, giải pháp để công ty thực hiện sớm thủ tục đầu tư Quy hoạch 1/500, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giấy phép môi trường và xin cấp phép xây dựng dự án Cristobalite đang đầu tư bổ sung thêm dây chuyền sản xuất vật liệu Frit, dự kiến chi phí đầu tư khoảng 397 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản (chủ yếu là mực ống) vào thị trường Nhật Bản, nhưng do vướng quy định về việc thực hiện IUU (từ năm 2007 khi Ủy ban Châu Âu (EC) bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Nên doanh nghiệp không thể xuất khẩu hàng sản xuất từ nguyên liệu mực ống đánh bắt trên vùng biển Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Do vậy các doanh nghiệp này kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn này cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Về lĩnh vực xúc tiến du lịch, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động gắn kết khác theo hướng tiết giảm chi phí tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ngành hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội… Bên cạnh đó, còn các kiến nghị, đề xuất lĩnh vực công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Đại diện các doanh nghiệp nêu kiến nghị, đề xuất |
Chủ trì buổi trao đổi, thảo luận, giải quyết vướng mắc khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Quá trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp - các chủ thể của nền kinh tế đã không ngừng tăng gia lao động sản xuất kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp nguồn thu ngân sách tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, “sát cánh” cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Về phần trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã thẳng thắn, cởi mở, trao đổi lắng nghe các ý kiến chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các Hiệp hội, sở, ban ngành liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp …) trong thẩm quyền của mình tham mưu, đề xuất xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất, không để chậm trễ trong giải quyết.
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh trả lời các kiến nghị |
“Đối với các đề xuất thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có văn bản chỉ đạo, giao các ngành tham mưu, thực hiện phù hợp gắn với thời hạn trong xử lý các công việc, không để tình trạng chậm trễ trong giải quyết. Đồng thời tiếp tục duy trì nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động điều hành của 4 tổ công tác giám sát và quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án gặp phải nhằm đẩy nhanh tiến độ”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định.
Năm 2024, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 8,5-9,0%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 81.844 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 ước đạt 69,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 13.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ…. |