Hải Phòng: Khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn
Mưa bão thiệt hại ước tính trên 4.881 tỷ đồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng, chỉ tính riêng thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau đó gây ra ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) tính đến ngày 30/9/2024 là khoảng 4.881,898 tỷ đồng.
Lĩnh vực trồng trọt: Ước thiệt hại 2.628,49 tỷ đồng. Tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng (không tính hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng) là 32.637,2 ha; ước thiệt hại 2.346 tỷ đồng. Chậu, cây hoa, cây cảnh các loại 1.020,8 chậu/cây, ước thiệt hại 282,49 tỷ đồng.
Mưa bão đã gây thiệt hại lớn cho nhân dân TP. Hải Phòng nói riêng và các tỉnh miền Bắc nước ta nói chung |
Lĩnh vực lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng bị thiệt hại 7.192,39 ha, ước thiệt hại 529,4 tỷ đồng (trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 823,17 ha; thiệt hại rất nặng từ 50%-70% là 1.565,6 ha; thiệt hại nặng từ 30% -50% là 4.344,54 ha; thiệt hại một phần dưới 30% là 459,08 ha). Lĩnh vực chăn nuôi ước thiệt hại 381,7 tỷ đồng. Thủy lợi ước thiệt hại 36,8 tỷ đồng. Thủy sản ước thiệt hại 1.305,4 tỷ đồng....
Tình hình thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố ở mức rất lớn, chiếm gần 40% so với tổng ước thiệt hại của thành phố (13.062.733,49 triệu đồng).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê, xác định chính xác về thiệt hại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để kịp thời báo cáo thành phố theo quy định.
Khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục kinh tế
Nhằm sớm khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc rà soát thiệt hại và đôn đốc công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 năm 2024. Đồng thời, hướng dẫn đề xuất nhu cầu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3 năm 2024.
Đến nay, Sở vẫn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê và hướng dẫn xây dựng hồ sơ hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ước mức hỗ trợ đối với các lĩnh vực như sau: lĩnh vực trồng trọt là 48,87 tỷ đồng; lâm nghiệp 15,45 tỷ đồng; thủy sản 69,3 tỷ đồng; chăn nuôi 51,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trong việc khắc phục hậu quả sau bão lũ, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất đã phát sinh những bất cập như:
Về đối tượng hỗ trợ: Nghị định ban hành từ năm 2017, do đó có một số khái niệm về cây trồng, vật nuôi thuộc nội dung trồng trọt, lâm nghiệp, thuỷ sản chưa phù hợp với Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018, Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018, Luật Thủy sản ngày 21/11/2017, Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017 dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Một số loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng lại được thống kê thiệt hại theo Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNN&PTNT-BKH&ĐT ngày 23/11/2015, dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Về mức hỗ trợ: Nghị định được xây dựng từ năm 2017 là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay, chi phí sản xuất, giá thị trường thay đổi theo chiều hướng tăng lên rất nhiều so với trước đây nên mức hỗ trợ trong Nghị định số chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, thành phố đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 03/02/2027 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng tăng mức hỗ trợ thiệt hại.
Bên cạnh đó, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được ban hành năm 2017, đến nay về mức hỗ trợ, trình tự thực hiện và một số nội dung khác không còn phù hợp với tình hình thực tế;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai do thiên tai, dịch bệnh (đang trình Chính phủ ban hành).
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 6612/VP-TCNS ngày 16/9/2024 về việc cơ chế chính sách hỗ trợ thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP. Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù của thành phố để hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.