Lâm Đồng: Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương
Chiều 28/10, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, tạo sự đột phá, thời gian tới tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp cùng với các chương trình, đề án nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm chủ lực, truyền thống của từng địa phương trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với tích hợp đa giá trị sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Nghề nuôi cá tầm đang mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cây rau, hoa, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu; lựa chọn mức độ ứng dụng công nghệ phù hợp đối với từng vùng sản xuất, từng đối tượng cây trồng; giảm diện tích nhà kính tại khu vực nội ô TP. Đà Lạt. Phát triển mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tích hợp đa giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn; phát triển hàng hóa bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm phục vụ nhu cầu chăn nuôi tằm của tỉnh; mở rộng diện tích trồng các giống dâu mới để nuôi tằm, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ.
Một trang trại nuôi cá tầm quy mô lớn ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Về lĩnh vực thuỷ sản, Lâm Đồng tập trung khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các giống thủy sản đặc sản, cá nước lạnh; áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển nuôi thâm canh, tối đa hoá hiệu quả kinh tế gắn phòng chống dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế, duy trì đa dạng sinh học tại các hồ chứa, đập thủy lợi và hệ thống sông Đồng Nai.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn bảo vệ và phát triển rừng với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân sống ở khu vực có rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng rừng trồng, áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng cho phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Phát triển nông lâm kết hợp, lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các mô hình quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế bền vững thông qua các dịch vụ như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trồng dược liệu dưới tán rừng theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ và nâng cao các giá trị đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; hạn chế tối đa mất rừng. Tăng cường quản lý bền vững các loại rừng để mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và buôn bán tín chỉ Cacbon.
Khi làm tốt công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng sẽ chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, cấp giấy chứng nhận gắn với phát triển các chuỗi liên kết trong đó ưu tiên các sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả, cà phê.
Đồng thời, nâng cấp hệ thống thương mại điện tử trong nông nghiệp, tăng lượng kết nối tương tác trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian, rút ngắn thời gian bảo quản và vận chuyển hàng hóa, minh bạch hóa các tiêu chuẩn cạnh tranh của hàng hóa nông sản đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua bán online, đầu tư xây dựng các Wedsite giới thiệu sản phẩm, đặt hàng trực tuyến của riêng doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ.