Thừa Thiên Huế: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thu ngân sách 3 tháng cuối năm
Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, 3 quý đầu năm 2024, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, địa phương… nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 7,34%, xếp thứ 6/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hiếu |
Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 8,62%, lĩnh vực dịch vụ tăng 7,4%, du lịch tăng 26,7%, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 15%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 22.981 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.720 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công 9/2024 là 3.616,479 tỷ đồng/6.957,879 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch…
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tuy nhiên, những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc triển khai các dự án trọng điểm…
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, chăm lo phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội thì cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Trong đó, chỉ đạo đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với 8 cơ quan, đơn vị có mức giải ngân thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Xác định công tác giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các Sở, ban, ngành và địa phương; ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng,...đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm: Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2,... Khẩn trương phối hợp hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024 và đầu năm 2025: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; Đường Vành đai 3; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các dự án có tính kết nối, lan tỏa cao, tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên 13.600 tỷ đồng.