Doanh nhân Việt Nam: Cần gì để hội nhập và vươn xa
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh |
Ngày càng lớn mạnh
Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 561.064 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tăng 11,1% so với thời điểm cuối năm 2016. Số lượng DN gia nhập thị trường gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cụ thể năm 2016 có hơn 110.000 DN gia nhập thị trường, tăng 16,2% so với năm 2015; năm 2017, có gần 127.000 DN gia nhập thị trường, tăng 15,2% so với năm trước đó.
9 tháng năm 2018, theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KHĐT): Cả nước có 96.611 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017. Cùng với đó, có 22.897 DN quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng tổng số DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay lên hơn 119,5 nghìn DN.
Để Việt Nam có được những thương hiệu toàn cầu, không chỉ trông chờ vào khát vọng và sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nhân, doanh nghiệp mà Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có những cơ chế, khuyến khích, nuôi dưỡng khát vọng vươn ra toàn cầu. |
Chia sẻ với phóng viên, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) – thừa nhận: Những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tăng mạnh mẽ cả về chất lượng và quy mô. Trong đó, không ít doanh nhân trẻ có tinh thần khởi nghiệp cao và gặt hái được thành công trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kết nối phần mềm. Đây cũng là những lĩnh vực mới, có nhiều cơ hội để vươn ra toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất như kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Ở một góc độ nào đó, những DN này vẫn đóng góp tích cực ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho người lao động, song lại không mang lại nhiều giá trị gia tăng, không tạo sức lan tỏa mạnh mẽ vào nền kinh tế và thiếu sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, có rất nhiều DN Việt Nam sau một thời gian hoạt động đã gặt hái được những thành công, nhưng sau đó thay vì tiếp tục đầu tư, tiếp tục phát triển thương hiệu của mình để vươn ra toàn cầu thì họ lại thu hẹp sản xuất, hoặc bán cho những tập đoàn nước ngoài. Điều này vô cùng đáng tiếc không chỉ cho chính các DN Việt Nam mà còn đáng tiếc cho cả nền kinh tế của Việt Nam – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Với những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt Nam, doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng sự phát triển này vẫn dưới mức tiềm năng của họ. Doanh nhân Việt Nam, DN Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn như vậy, nếu có một chiến lược kinh doanh dài hạn và có khát vọng chinh phục, khát vọng khẳng định thương hiệu Việt.
Cần có thêm chính sách nuôi dưỡng khát vọng toàn cầu cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam |
Nuôi dưỡng khát vọng toàn cầu
Nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều lý do khiến DN “không chịu lớn”, trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là môi trường đầu tư tại Việt Nam mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, song vẫn chưa hoàn thiện. Bên cạnh chi phí chính thức, DN Việt Nam, doanh nhân Việt Nam vẫn phải chấp nhận bỏ ra những chi phí “không chính thức” để mong hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi hơn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Thụ - Đại diện một DN chuyên phân phối các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, truyền thông cho biết, chi phí không chính thức thậm chí còn lớn hơn cả chi phí chính thức mà DN phải bỏ ra hàng năm. Đó là lý do các DN Việt Nam “ngại lớn”, vì DN càng lớn thì càng có nhiều các cuộc thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức càng nhiều.
Rõ ràng, thế hệ DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay có khát vọng toàn cầu, có khả năng vươn ra toàn cầu, song để nuôi dưỡng được khát vọng đó không chỉ trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, mà bản thân các cơ quan chức năng cũng cần có những cơ chế, chính sách nhằm nuôi dưỡng khát vọng đó. Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để có những thương hiệu toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đã có những chính sách kích thích DN phát triển rất tốt, tạo điều kiện cho đội ngũ DN, doanh nhân phát triển, sáng tạo, phát huy lợi thế.
Cùng với ban hành các cơ chế khuyến khích, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để nuôi dưỡng khát vọng toàn cầu cho DN, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiến tới xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng và thị trường, giảm các chi phí không cần thiết để DN có thêm nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.