Doanh nghiệp TP.HCM “khát” nhân lực chất lượng cao
Qua khảo sát, TP.HCM có khoảng 5 triệu lao động, trong đó có 37% lao động được đào tạo, trong số này có 22,5% lao động được đào tạo đại học. Tuy nhiên, thực tế có đến 48% lao động làm việc không đúng ngành đã học, nhiều lao động phải đào tạo lại. Vậy TP.HCM làm gì để nâng cao chất lượng đào đạo nguồn nhân lực này?
Doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động
Sau dịch bệnh, nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp TP.HCM có nhiều biến động. Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao liên tục đăng tuyển dụng lao động. Riêng Khu công nghệ cao TP.HCM có hàng chục doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động chất lượng cao với các vị trí như: quản lý, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực điện tử, tự động hóa, robot, chuyên gia năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano… Tuy nhiên, việc tuyển dụng các vị trí này không phải dễ dàng.
Công ty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đang tuyển khoảng 15 lao động ở bộ phận nhân viên gia công cơ khí, kỹ sư thiết kế máy tự động hóa, kỹ sư thiết kế điện… Công ty đã nhận được hồ sơ của nhiều ứng viên, tuy nhiên phần lớn là sinh viên mới ra trường, chỉ đáp ứng 50-60% yêu cầu công việc, nếu tuyển vào phải tổ chức đào tạo lại từ 4-6 tháng. Hàng năm công ty cũng có kế hoạch đưa lao động chất lượng cao sang Nhật tu nghiệp để tiếp cận những công nghệ mới, sản phẩm mới…
Kỹ sư của doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM thiết kế 1 bộ phận của rorot. (Ảnh: Lệ Hằng) |
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Nidec Copal Precision Việt Nam cho rằng: Để rút ngắn khoảng cách việc đào tạo ở các trường đại học và đáp ứng yêu cầu làm việc của nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp FDI thì các trường đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để họ nhận sinh viên vào thực tập. Hiện nay, mức lương khởi điểm của công ty từ 15-19 triệu đồng/người tháng. Ngoài ra, còn có nhiều chế độ đãi ngộ cho người lao động như: phụ cấp tiền xăng đi đường, tổ chức đi du lịch hàng năm, sinh nhật, hiếu hỉ… Tuy nhiên, nguồn lao động cũng thường dịch chuyển sang các doanh nghiệp FDI của châu Âu.
“Doanh nghiệp châu Á và châu Âu có 2 cơ chế, phương châm vận hành khác nhau do 2 nền văn hóa khác nhau. Doanh nghiệp châu Âu thì họ có độ mở, ưu đãi lớn hơn. Chúng tôi cũng khó khăn trong tuyển dụng nhưng với nguồn nhân lực hiện nay vẫn cố gắng duy trì 100% sản xuất” - ông Nguyễn Đăng Ngọc cho biết.
Doanh nghiệp trong nước làm bước đệm cho lao động chuyển dịch
Nếu đối với các doanh nghiệp FDI, việc tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao đã khó thì với doanh nghiệp trong nước càng khó hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, nhiều sinh viên các trường đại học top đầu ở TP.HCM ra trường đều muốn làm việc cho doanh nghiệp FDI. Trong lúc chưa xin được những chỗ này thì họ sẽ làm việc ở doanh nghiệp nhỏ trong nước tạm 1 thời gian, khi có kinh nghiệm thì sẽ xin vào làm cho các doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, lao động chất lượng lượng cao ở các doanh nghiệp trong nước thường dịch chuyển sang doanh nghiệp FDI, nhất là sau dịch bệnh, nguồn lao động này càng biến động.
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, chuyên sản xuất cơ khí chính xác xuất khẩu cho biết, thu nhập của người lao động ở công ty khá tốt. Tuy nhiên, khi có doanh nghiệp FDI cần tuyển lao động chất lượng cao thì lao động của công ty lại bị hao hụt. Chẳng hạn như vừa rồi một công ty con của Công ty Sam Sung Electronics VN tuyển lao động có kinh nghiệm, có tay nghề cao về khuôn mẫu chính xác thì một số lao động của công ty xin nghỉ chuyển sang đó. Ông Trí cho biết, việc tuyển dụng và “giữ chân” lao động đối với doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ rất khó.
Nhân viên của doanh nghiệp FDI ở TP.Thủ Đức đang vận hành hệ thống sản xuất tự động. (Ảnh: Lệ Hằng) |
Ông Nguyễn Văn Trí kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định doanh nghiệp FDI khi xây dựng nhà máy đầu tư ở Việt Nam thì trong luận chứng kinh tế kỹ thuật phải có việc chuẩn bị nguồn lao động. Còn trước mắt, các công ty trong nước phải có giải pháp thích ứng.
“Khi người lao động được trang bị đầy đủ kinh nghiệm tay nghề, kiến thức thực tế thì đi tìm nơi cơ hội việc làm tốt hơn. Công ty tư nhân chỉ có cách “sống chung với lũ”, Công ty Lập Phúc chọn cách là sẵn sàng nhận sinh viên thực tập, hiện nay thì công ty đã liên kết với 12 trường đại học nhận sinh viên thực tập. Các trường cử sinh viên đến công ty chúng tôi dạy tận tình, thì sinh viên này ra trường có thể làm việc ngay, các doanh nghiệp không phải đào tạo lại” - ông Nguyễn Văn Trí nói.
Trường cần biết doanh nghiệp cần gì để đào tạo?
Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, người đang làm đề tài nghiên cứu "Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao TP.HCM" cho rằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa "3 nhà": Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường. Đồng thời, các trường cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, tăng thời gian thực hành.
Hiện nay, TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo lao động ngắn hạn, được hỗ trợ lao động 2 triệu đồng/khóa học. Đồng thời, tại Khu Công nghệ cao có Trung đào tạo Nhân lực công nghệ cao, do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật (Jica) tài trợ, có sẵn cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm… Tuy nhiên, cái khó trong việc đào tạo lao động chất lượng cao là rất ít doanh nghiệp bỏ thêm chi phí đào tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp đều có quỹ đào tạo và cần tăng cường quỹ này cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS.TS Nguyễn Thị Cành kiến nghị: “Tôi đề xuất TP.HCM xây dựng Website kết nối giữa các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu chế xuất với các trường trên địa bàn thành phố để xem các trường cung cái gì, doanh nghiệp cần cái gì, để 2 bên có thể gặp nhau như thế nào vì hiện nay họ không có thông tin về nhau. Hiện nay, Nhà nước đã có kinh phí hỗ trợ đào tạo và cần hỗ trợ quản trị Website”.
Không phải do ảnh hưởng dịch bệnh khiến các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng lao động chất lượng cao mà hàng năm nhiều công ty đều tuyển dụng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng và việc phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới. Vì vậy, nguồn lao động chất lượng cao luôn thiếu hụt. Để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, TP.HCM cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa "3 nhà" để cung và cầu gặp nhau. Khi đó, nguồn nhân lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả hơn và nhất là phát triển kinh tế số hiện nay./.