Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023: Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược
Sáng ngày 15/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự và phát biểu định hướng thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và nhân chuyến công tác Việt Nam của ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch, Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản - Mekong, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, chế tạo…
Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, trải qua chặng đường 50 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1973), quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực và đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc, sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố. Trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy”, Thủ tướng hai nước nhất trí tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực then chốt nhất như: Hạ tầng cơ sở giao thông vận tải, đào tạo nhân lực, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục... Nhật Bản cũng là đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đối tác đầu tư và du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước tính đến tháng 12/2022 đạt hơn 47 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại diễn đàn |
Về hợp tác đầu tư, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021.
Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo… đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500.000, là những nhân lực trẻ, năng động đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng giữa hai nước.
“Diễn đàn lần này là cơ hội để doanh nghiệp 2 nước trao đổi thắng thắn về thuận lợi, khó khăn trong kinh doanh thời gian qua, chủ động đề xuất ý tưởng, cơ hội hợp tác mới trong giai đoạn phục hồi của 2 nền kinh tế Việt Nam, Nhật Bản sau đại dịch”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan của Nhật Bản và Việt Nam, cũng như cam kết tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối của VCCI, đổi mới cách thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vì sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia.
Ba giải pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, khó lường với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việt Nam đã và đang kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,02%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm cân đối thu chi.
Với quy mô GDP trên 409 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN, xếp thứ 37 trong top 50 các quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước là 3,32 tỷ USD)
Đến nay, Việt Nam đã có gần 35 nghìn dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 426 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 139 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Liên hợp quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản |
Theo dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đạt 6,2%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%.
Đạt được những thành tựu nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn Chính phủ cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản thời gian qua đã chung tay chia sẻ trách nhiệm xã hội với nhiều hoạt động hỗ trợ rất thiết thực như xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng đường xá, hạ tầng cho địa phương, cấp học bổng cho sinh viên, hỗ trợ thiết bị y tế và đóng góp vào quỹ vaccine phòng Covid-19.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, hai nước còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau. Để góp phần phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á Việt Nam - Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề xuất 3 giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh. “Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.
Thứ ba, triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản - Mekong của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) bày tỏ hy vọng Diễn đàn năm nay sẽ là điểm khởi đầu hướng tới sự phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.
Diễn đàn không chỉ là sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước mà còn xây dựng tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, hiện nay các hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi nổi với 3 phòng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có hơn 800 hội viên tại Hà Nội.
Nhật Bản có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, là nước có nhiều doanh nghiệp đứng thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Theo một khảo sát, khoảng 60% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai, vượt xa mức tăng trung bình của ASEAN là 47%.