Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và 8 tháng “dẫn dắt” ngành Kế hoạch và Đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
2016 - một năm nhiều ý nghĩa
Nhìn lại năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó là một năm có nhiều ý nghĩa đối với bản thân ông nói riêng và các thành viên Chính phủ mới lần đầu tiên nắm cương vị bộ trưởng nói chung. Mặc dù nền kinh tế trong năm 2016 gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và bối cảnh quốc tế, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ, tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều để lại ấn tượng nhiều nhất với ông trong năm 2016 có lẽ là Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Bởi đối với một bộ trưởng mới như ông, việc phải báo cáo, giải trình trước Quốc hội 10 lần trong 1 kỳ họp là một thách thức không nhỏ.
“Tôi phải gửi lời cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư đã cùng tôi bảo vệ thành công trước Quốc hội những báo cáo lớn. Trong đó, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến rất tích cực về 2 dự thảo luật là Luật Quy hoạch và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để xem xét thông qua vào kỳ họp sau”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Đây là một năm cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với mục tiêu là phát triển một lực lượng DN mạnh mẽ, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển đất nước. Theo đó, nhờ những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ cũng như bản thân cộng đồng DN, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện đáng kể về thứ hạng.
Cụ thể, theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố vào cuối tháng 10/2016, Việt Nam xếp thứ 82/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chưa có sự “bứt phá” bởi nếu xét trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn đang đứng thứ 5/10 nước ASEAN.
Trong khi các nước xếp trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại có những cải thiện vượt bậc thì thách thức đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam là không nhỏ. Bởi mỗi bước tiến bộ của chúng ta vẫn chưa thể sánh được với những bước tiến dài và nhanh của khu vực và thế giới. Những khuôn khổ pháp lý mới và các giải pháp của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả, song để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, không còn cách nào khác là chúng ta phải thực hiện những giải pháp này một cách quyết liệt hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
“Bởi nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, chúng ta không những khó tiếp cận nhóm ASEAN 3 hoặc 4, mà thậm chí còn bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ khó khăn
Với Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là nhiệm vụ rất khó khăn không chỉ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cho toàn ngành kinh tế.
Trong đó, với việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đóng vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa thực hiện nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công. Mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công, nhất là ngân sách nhà nước hạn hẹp, áp lực trần nợ công lớn... là hết sức khó khăn. Một mặt vừa phải đáp ứng mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế, vừa phải giải quyết nhu cầu đầu tư phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, kế hoạch phải dành một phần vốn đáng kể để xử lý những tồn đọng của giai đoạn trước như hoàn vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng....
Trong bối cảnh như vậy, muốn thực hiện thành công Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có sự đồng thuận cao của các cấp, ngành trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn công, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phân bổ nguồn vốn cũng như phê duyệt và thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn công.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đổi mới, sáng tạo và cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, các cấp để cùng hướng tới mục tiêu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn một cách tiết kiệm, hiệu quả, không dàn trải, lãng phí..., góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.