Bí quyết nào giúp Việt Nam định vị thương hiệu quốc gia xanh?
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt: Phải bắt đầu từ thị trường 100 triệu dân Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia: Cần liên tục đổi mới, linh hoạt trong triển khai |
Có doanh nghiệp tiên phong nhưng chưa phổ biến
Là một trong những thương hiệu quốc gia được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết tới, sự thành công của Tập đoàn TH đến từ định hướng sản xuất xanh, kinh doanh ngay từ khi mới xây dựng.
Bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ-Trưởng Ban Điều phối Dự án phát triển bền vững, chia sẻ: Tập đoàn ứng dụng phần mềm quản lý tiên tiến từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ được đưa về từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn có sáng kiến về giảm thiểu phát thải cacbon như xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, từ đó quay vòng về phục vụ cho sản xuất.
Không chỉ Tập đoàn TH, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có bước tiến nhanh trên con đường sản xuất xanh, định vị thương hiệu bằng yếu tố xanh và được thế giới biết đến, như Tập đoàn Vingroup với sản phẩm xe ô tô, xe máy điện. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là nắm nhịp phát triển mà theo đánh giá của các chuyên gia là rất dũng cảm bởi người đi đầu bao giờ cũng khó, chưa kể vốn đầu tư rất lớn.
Tại Toạ đàm “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” trong khuôn khổ Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam năm 2023, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều chung quan điểm, xanh hoá các hoạt động trong xây dựng và phát triển thương hiệu ngày một phổ biển, thậm chí là yếu tố bắt buộc. Việt Nam không ngoại lệ, yếu tố tăng trưởng bền vững trong đó có thương hiệu xanh đang trở thành chìa khóa cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2035.
Việt Nam định vị thương hiệu quốc gia xanh |
Quan trọng là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được vai trò của thương hiệu xanh trong chiến lược phát triển dài hạn của sản phẩm và doanh nghiệp. Nguyên do thì có nhiều nhưng điểm khó nhất là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, nguồn lực tài chính và chưa tìm ra phương thức định vị thương hiệu gắn với yếu tố xanh.
Nhìn nhận ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Trong việc xây dựng và định vị thương hiệu xanh, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm là quan trọng như nhau. Nhà nước tạo chính sách, doanh nghiệp thông qua sản phẩm hiện thực hoá các chính sách, kết hợp cùng nỗ lực của bản thân xây dựng thành công thương hiệu của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam thành công xây dựng và định vị thương hiệu xanh, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finence châu Á- Thái Bình Dương cho rằng: Việt Nam cần xây dựng và truyền tải câu chuyện đặc sắc làm đường dẫn kéo thế giới biết đến Việt Nam. Nhưng câu chuyện không nên quá rộng mà tập trung vào yếu tố xanh và nỗ lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Đồng thời, cần lường trước lộ trình, khó khăn thách thức để có giải pháp. “Đã có trường hợp quốc gia quá tham vọng vào tăng trưởng xanh mà không lường hết các phát sinh dẫn đến sụp đổ của nền kinh tế”, ông Alex Haigh nói.
Dựa trên kết quả khảo sát 8 ngành với 500 doanh nghiệp, đại diện Đại học RMIT đưa ra lời khuyên: Muốn thành công xây dựng thương hiệu xanh và bền vững, doanh nghiệp cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường; xác định yếu tố lợi thế cạnh tranh xét trên khía cạnh xanh và bền vững; định hình sứ mệnh thương hiệu; đưa ra định hướng phát triển thương hiệu trong và ngoài nước; triển khai marketing hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhận diện thương hiệu luôn cần được quan tâm, sự thống nhất của hệ thống nhận diện và nâng cao hiệu quả nhận diện thông qua truyền thông là rất quan trọng.
Về điều này, đại diện cho cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia, ông Hoàng Minh Chiến cho biết: Sắp tới Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch phối hợp cùng cả cộng đồng doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện THQG Việt Nam. Bộ nhận diện này sẽ chung cho toàn bộ Chương trình THQG Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân hướng tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, qua đó giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Nếu không có cơ chế khuyến khích phù hợp thì việc doanh nghiệp theo đuổi sản xuất xanh, kinh tế xanh sẽ rất khó khăn. “Chúng tôi mong muốn, Chính phủ sẽ có các cơ chế, ưu đãi phù hợp dành cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần quan tâm cần nắm bắt, tận dụng các ưu đãi, mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất xanh, thân thiện môi trường hơn. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu doanh nghiệp xanh và góp thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia xanh”, ông Hoàng Minh chiến cho hay.