Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt: Phải bắt đầu từ thị trường 100 triệu dân
Xây dựng thương hiệu: Sản phẩm tốt là chưa đủ Nước mắm Phú Diên trên đường xây dựng thương hiệu OCOP |
Bắt đầu từ thị trường Việt Nam
Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã cùng trao đổi và chia sẻ những giải pháp để xây dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị cho nông sản Việt.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và trên cơ sở thị trường 100 triệu dân nội địa.
Ông Cường cho rằng chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước. Nếu không có nền tảng này, khách hàng quốc tế cũng sẽ thiếu lòng tin với sản phẩm của chúng ta. Đây là đối tượng khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần chăm sóc.
Quan trọng hơn, theo ông Nguyễn Như Cường, để xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam chúng ta cần có đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp có tâm huyết với quốc gia, dân tộc. Song song, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là vấn đề về mặt chính sách, đang nghiên cứu cải thiện...
Cà phê Việt bán tại siêu thị tại Mỹ |
Thiết lập vùng nguyên liêu và quảng bá ra thế giới
Từ câu chuyện của địa phương, theo ông Văn Hữu Huệ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Triển khai thực hiện các chính sách, hoặc các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số một cách thiết thực và minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản (truy xuất được nguồn gốc). Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương. Đặc biệt, cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam. Mặt khác, việc thống nhất đầu mối thực hiện nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến thương mại quốc gia sẽ hiệu quả hơn là để từng doanh nghiệp tự thực hiện.
Sở dĩ ông Huệ đề xuất cần sự quan tâm của các ngành là do hiện nay các doanh nghiệp, hợp tác xã nhìn chung quy mô nhỏ, hạn chế tài chính nên rất khó khăn trong việc tham gia các cuộc hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế (kể cả trong nước). Bên cạnh đó, họ còn thiếu khả năng tìm kiếm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, khó khăn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Phải đầu tư cho chế biến sâu
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Phúc Sinh Group khẳng định, muốn xây dựng thương hiệu phải đầu tư cho chế biến sâu.
Ông Thông dẫn chứng, từ năm 2010, Phúc Sinh là 1 trong những công ty đầu tiên của Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững bắt đầu từ sản xuất hạt tiêu sạch, sau đó làm hạt tiêu tiệt trùng. Bên cạnh hạt tiêu, cà phê cũng là mặt hàng điển hình cho câu chuyện thành công xây dựng thương hiệu của Phúc Sinh. Cụ thể, Phúc Sinh đã xây dựng nhà máy chế biến cà phê ở Sơn La và đưa giá cà phê tươi ở đây từ 6.500 đồng/kg lên tới 15.000 đồng/kg. Từ đó, theo ông Thông, để biến các nguyên liệu thô thành sản phẩm chế biến có giá trị, tạo nên thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, phải đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu một cách bài bản và kiên định làm thương hiệu vì nếu chỉ đơn thuần mua đi bán lại sẽ không phát triển bền vững được.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul - Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P. Việt Nam: Chọn sản phẩm độc đáo Để có được thương hiệu cần phải tâm niệm có 3 tiêu chí gồm làm có lợi cho đất nước, lợi ích cho nông dân sau đó mới đến lợi ích của doanh nghiệp. Từ đó, C.P luôn đặt tiêu chuẩn an toàn, sạch sẽ cho khách hàng lên hàng đầu và giữ vững điều đó trong suốt 30 năm nay. Đây chính là sự khác biệt vì sản phẩm chính của C.P là heo, gà - những sản phẩm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp khác cũng làm được. Đối với câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Boonlap Watcharawanitchakul nhận định: Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được. Vì vậy phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng hơn nữa để thế giới chấp nhận. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia. Trong đó, xác định tập trung phân khúc nào, thị trường nào, có đáp ứng đủ nhu cầu hay không… "Tại Việt Nam có nhiều vùng sản xuất được tôm kích cỡ lớn khoảng 15 con/kg, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới rất cao mà ngay cả Thái Lan cũng chưa làm được. C.P đã làm việc với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre để phát triển sản phẩm này. Tại sao chúng ta không truyền thông mạnh mẽ để ai muốn thưởng thức tôm cỡ lớn phải tìm đến Bến Tre? Thủy sản Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn tôm vào năm 2025, mang về giá trị hàng chục tỉ USD. Như vậy, chúng ta cần có định hướng xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn nữa để nông sản, thủy sản Việt Nam được quốc tế biết đến nhiều hơn". |