Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia: Cần liên tục đổi mới, linh hoạt trong triển khai
Xúc tiến thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia |
Bắt nhịp những thay đổi
Đánh giá về công tác triển khai, hiệu quả thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Nhiều điểm mới là điểm nhấn của công tác xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022. Trong đó có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp với quy mô lớn được tổ chức song song với phiên bản trực tuyến đã thu hút số lượng lớn hơn khách tham gia giao dịch, sử dụng nền tảng số để kết nối, làm quen với khách hàng trước khi diễn ra sự kiện qua đó nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực.
Chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức định kỳ cũng được đánh giá là sáng kiến hay. Chương trình đã trở thành kênh trao đổi thông tin nhanh, chất lượng và hiệu quả.
Đặc biệt, định hướng hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng xanh và bền vững nhằm đáp ứng, thích nghi với xu hướng, yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh trên thế giới.
Dù đạt kết quả tốt, nhưng ông Vũ Bá Phú cũng thẳng thắn: Công tác xúc tiến thương mại quốc năm gia vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn lực hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được điều chỉnh kịp thời, mô hình tổ chức về cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương chưa thống nhất gây khó khăn cho triển khai các hoạt động.
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia: Cần liên tục đổi mới, linh hoạt trong triển khai |
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn kéo dài trong các tháng đầu năm, hoạt động xúc tiến thương mại của nhiều địa phương phải điều chuyển thời gian dồn sang các tháng cuối năm gây áp lực cho nguồn lực xúc tiến thương mại. Một số hoạt động phải hủy ở thời điểm cuối năm, không kịp điều chuyển kinh phí để triển khai hoạt động khác.
Nhiều tổ chức xúc tiến thương mại chưa thực sự chủ động đầu tư nghiên cứu, đổi mới trong việc triển khai hoạt động, chưa chủ động nâng cao năng lực trong tổ chức, do đó hoạt động xúc tiến thương mại vẫn triển khai theo lối mòn.
Cần liên tục đổi mới
Đồng tình với ý kiến thẳng thắn của lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải, cho rằng: Công tác xúc tiến thương mại là hoạt động truyền thống, do đó nội dung và hình thức cần liên tục thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng đúng nhu cầu và hấp dẫn được doanh nghiệp.
Xúc tiến thương mại quốc gia và Thương hiệu quốc gia là hai chương trình nòng cốt của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Đây là chương trình dài hạn, bên cạnh những hoạt động bề nổi cần nghiên cứu đi sâu vào những hoạt động “hậu cần” nhưng quan trọng, tác động thiết thực tới doanh nghiệp, như: Hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng và bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước…
“Đồng thời nhấn mạnh, năm 2023, khẳng định thị trường sẽ rất khó khăn, đặc biệt là 2 quý đầu năm. Đề nghị Cục Xúc tiến thương mại rà soát lại các thị trường trọng điểm, tập trung vào những thị trường có hiệp định thương mại tự do”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra.
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến xuất khẩu. Hoạt động xúc tiến cần tập trung vào những mặt hàng, nhu cầu cụ thể tại các thị trường và xu hướng tiêu dùng đang trở nên phổ biến giúp doanh nghiệp bắt nhịp càng nhanh càng tốt.
“Năm 2022 Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ, sang năm 2023 cần tiếp tục tổng hợp sức mạnh chung của các đơn vị, nhân lực làm công tác xúc tiến thương mại để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng
Năm 2022, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện được 148 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí thực hiện tính đến 15/12 là gần 132 tỷ đổng, bao gồm hoạt động: Xúc tiến thương mại phát triển thị trường, mặt hàng xuất khẩu, tư vấn thông tin thương mại trong nước và quốc tế, xúctiến thương mại của các vùng kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. |