Việt Nam - Brazil: Chờ một FTA
Đó là chia sẻ của ông Mauricio Medeiros de Assis, Phó Đại sứ Brazil tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Kinh tế Việt Nam.
Theo ông Mauricio Medeiros de Assis, mặc dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng thời gian qua, hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Brazil đã tăng trưởng mạnh mẽ với sự ủng hộ của Chính phủ hai nước. Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 3,35 tỷ USD. Trong đó, Brazil nhập khẩu từ Việt Nam 1,48 tỷ USD, tăng gần 35% so với năm 2013 và xuất khẩu đạt 1,87 tỷ USD, tăng 44,6%.
Xét cơ cấu trao đổi hàng hóa, điện thoại và linh kiện của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đã vượt qua giày dép để trở thành mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất 125,4% so với năm 2013, đạt 526,76 triệu USD. Tiếp theo là các mặt hàng có mức tăng trưởng khá như xơ, sợi dệt các loại đạt 63,46 triệu USD, tăng 82%; sắt thép các loại và sản phẩm đạt 23,4 triệu USD, tăng 53,35%....
Ở chiều ngược lại, Brazil xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng ngô đạt 725,55 triệu USD; đậu tương đạt 305,28 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 213,8 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 185,87 triệu USD và bông các loại đạt 132,82 triệu USD.
Về đầu tư, các doanh nghiệp Brazil đang nhìn thấy nhiều cơ hội tại Việt Nam khi tiến trình hội nhập của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ với việc tham gia hai hiệp định thương mại quan trọng là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với EU.
Brazil đang là thành viên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), còn Việt Nam đang là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, rõ ràng cơ hội tiếp cận khu vực thị trường đang rộng mở.
Phó Đại sứ Mauricio Medeiros de Assis cũng cho rằng, tăng trưởng thương mại mạnh mẽ và những cơ hội mới mở ra là tiền đề quan trọng để Việt Nam và Brazil tạo bước tiến dài hơn trong hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Brazil phải tập trung nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm để đáp ứng những tiêu chuẩn mới. Đặc biệt, nên hướng sự hợp tác tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brazil bởi họ đang nhận được những ưu đãi hiệu quả từ phía Chính phủ.
Đề cập tới các cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm tạo ra cơ chế thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Phó Đại sứ Mauricio cho rằng, hai nước vẫn chưa thảo luận được các lĩnh vực hợp tác đầu tư tập trung. Thực tế đã cho thấy, đầu tư chỉ có thể gia tăng khi các doanh nhân có cơ hội được trao đổi và cung cấp với các đối tác về nhu cầu cũng như tiềm năng của mình.
Chính phủ và giới doanh nghiệp Brazil đang chờ đợi một FTA song phương với Việt Nam để có những cơ chế pháp lý cụ thể, tạo điều kiện hơn cho việc thúc đẩy giao thương, nhất là các mặt hàng thủy sản, giày dép và may mặc. “Tuy nhiên, trước khi điều đó trở thành hiện thực, chúng ta phải tích cực tạo ra các cơ hội thị trường riêng theo nhu cầu hợp tác cụ thể, thiết thực của từng doanh nghiệp” - Phó Đại sứ nhấn mạnh./.
Hùng Cường