Nguồn cung trong nước hạn hẹp, Việt Nam tăng cường nhập khẩu hồ tiêu
Cụ thể, tổng lượng hồ tiêu nhập khẩu đạt 4.818 tấn, trị giá 29,3 triệu USD, tăng 98,3% về lượng so với tháng 9. Indonesia một lần nữa khẳng định vị thế là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 10 với 3.970 tấn, chiếm 82,4% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là Brazil với 501 tấn, chiếm 10,4%.
Việc nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do nguồn cung trong nước giảm sút. Vụ thu hoạch hồ tiêu Việt Nam vừa qua đạt sản lượng thấp, cùng với việc vụ mùa năm 2025 dự kiến sẽ trễ hơn so với thường lệ đã khiến nguồn cung trong nước trở nên khan hiếm.
Trong tháng 10/2024, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn hồ tiêu. Ảnh: Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam |
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài. Đặc biệt, do giá cước vận chuyển tăng cao và giá tiêu Brazil không còn cạnh tranh như trước, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang nhập khẩu từ các nước láng giềng như Indonesia và Campuchia.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Indonesia đã trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam với 10.287 tấn, tăng 257,2% so với cùng kỳ. Campuchia cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 6.695 tấn, chiếm 23,4% tổng lượng nhập khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam cho biết: tồn kho hồ tiêu Việt Nam hiện còn rất ít, còn vụ thu hoạch 2025 dự kiến trễ hơn thường lệ 1-2 tháng và sản lượng giảm do ảnh hưởng hạn hán. Trong khi đó, Indonesia vừa kết thúc vụ thu hoạch năm 2024, sản lượng còn dồi dào và giá liên tục hạ nhiệt nên doanh nghiệp tranh thủ mua vào. Ngoài Indonesia, Việt Nam cũng ưu tiên nhập khẩu từ các nước lân cận như Cambodia thay vì các nguồn ở xa như Brazil để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng: "Ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo đó, năm nay nông dân trồng tiêu được hưởng lợi nhờ giá bán tăng quá cao. Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại không mua được nhiều tiêu trong nước. Đây cũng là một phần lý do Phúc Sinh đã phải nhập khẩu hồ tiêu rất nhiều từ Brazil và Indonesia trong năm nay. Nguyên nhân là bởi, sản lượng giảm, bà con tích trữ hồ tiêu lại. Cùng với đó, tình trạng hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu trong nước ngày càng khó khăn".
Bên cạnh đó, việc nguồn cung hồ tiêu toàn cầu bị thu hẹp, đặc biệt là từ các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Brazil, đã tạo áp lực lên giá. Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và châu Á cũng tăng đáng kể, góp phần đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, đến tháng 10, tình hình đã có phần đảo ngược, nhu cầu thanh khoản tăng cao đã khiến nhiều người bán phải bán tháo hàng, gây áp lực giảm giá. Bên cạnh đó, việc nguồn cung từ Brazil và Indonesia tăng lên, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc lại giảm đã khiến thị trường trở nên bão hòa hơn.
Mặc dù giảm so với đỉnh điểm, giá hồ tiêu tháng 10 vẫn ở mức cao. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong ngắn hạn, nhưng xu hướng giảm này sẽ không kéo dài. Lý do là nguồn cung vẫn còn hạn chế và nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ tăng trở lại vào mùa vụ mới.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (11/11) trong khoảng 139,500 - 141,200 đồng/kg. Tổng kết tuần giá tiêu giảm trung bình từ 500 đến 1,000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 141,000 đồng/kg, ổn định so với cùng kỳ tuần trước. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 140,000 đồng/kg, ổn định so với cùng kỳ tuần trước. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 141,200 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay giảm từ 500 đến 1,000 đồng/kg so với cùng kỳ tuần trước. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện ở mức 140,000 đồng/kg, giảm 1,000 đồng/kg so với tuần trước; tại Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 139,500 đồng/kg. Trên thế giới, cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 6.706 USD/tấn, giá tiêu trắng Muntok đạt 9.180 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil ở mức 6.300 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 8.400 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 10.500 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam hôm nay ổn định ở mức cao, giao dịch ở 6.500 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.500 USD/tấn. |