Tích cực đàm phán các FTA để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam
Khởi động phiên đàm phán thứ nhất FTA Việt Nam - Israel Anh khởi động đàm phán FTA với Nhật Bản |
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có giữa Việt Nam với các đối tác thị trường từ châu Âu-châu Mỹ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) hay Hiệp định thương mại Việt Nam-Chile, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)... đang tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư; đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Thông quan hàng hóa tại Tân cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, trong bối cảnh, xung đột Nga-Ukraine còn chưa ngừng những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới; trong đó có khu vực châu Âu-châu Mỹ thì Việt Nam cần tích cực đàm phán các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% và tiếp tục duy trì xuất siêu trong thời gian tới.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, cho hay Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai những hiệp định thương mại tự do hiện có. Ngay từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định nữa; chú trọng hơn tới một số thị trường mà từ trước đến nay Việt Nam chưa có khả năng thâm nhập sâu và mạnh.
Trước mắt, phía Việt Nam đang tiến tới gần hơn trong quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel - tạo bước tiến quan trọng để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dự kiến FTA với Israel được ký kết trong năm nay để mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng.
Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
Ngoài ra, thị trường châu Phi với thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam cũng mới chỉ khai thác được 0,6%. Đây sẽ là đích nhắm tiếp theo để đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, phát huy tốt lợi thế từ các FTA đã có cũng là những ưu tiên trong năm 2023 song song với việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống.
Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng những thị trường khu vực như Bắc Âu, Đông Âu hay Mỹ La Tinh cũng đang có tốc độ tăng trường cao (cho dù, tỷ trọng xuất khẩu còn nhỏ).
Đây sẽ là những thị trường còn nhiều dư địa để khai thác, giúp cho việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng trưởng cao, thời gian tới. Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này.
Bên cạnh đó, cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Thời gian tới, phải theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp phát triển thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới. Do đó, nhu cầu nắm bắt thông tin và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp sẽ được chú trọng và đặc biệt ưu tiên," ông Linh nhấn mạnh./.