Đừng để bất động sản công nghiệp thành “cô gái lỡ thì”
Nguồn cung tương lai bất động sản công nghiệp tiếp tục dồi dào Bất động sản công nghiệp là "điểm sáng" trong thu hút vốn FDI Bất động sản công nghiệp giữ sức cho chặng đua dài |
Liên quan đến bất động sản công nghiệp, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 416 khu công nghiệp đã thành lập với diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha trên diện tích đất tự nhiên 129,9 nghìn ha. Đã có 296 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích đất công nghiệp đạt 63 nghìn ha.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính trung bình tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 75% trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
Việt Nam cần đa dạng hoá mô hình phát triển công nghiệp. (Ảnh minh hoạ) |
Dòng vốn đầu tư vào công nghiệp tính riêng trong quý I/2024 tuy có giảm nhẹ 1,3% song vốn đầu tư vào công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn là 63% cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển với xu hướng giới đầu tư nước ngoài vẫn hướng đến các chuỗi công xưởng, dây chuyển sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Minh chứng cho điều này là việc giá thuê đất bình quân và giá cho thuê nhà xưởng quý I/2024 vẫn tăng nhẹ khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ 2023.
Điều này cho thấy trong khi các phân khúc của thị trường bất động sản thời gian gần đây trầm lắng, nặng về nghe ngóng chính sách thì phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng đều đặn cho thấy sức hấp dẫn mang đầy tính ổn định cũng như có nhiều cơ hội để cải thiện. Nhu cầu về bất động sản hiện vẫn rất lớn.
Để tận dụng và thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng cho bất động sản công nghiệp, góp phần đưa phân khúc này thúc đẩy thị trường bất động sản, theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng hiện nay là cần bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ về thể chế chính sách để phát huy vai trò của các khu công nghiệp. Điều này là rất cần thiết bởi tính pháp lý về quy định khung phát triển khu công nghiệp hiện còn thấp mới chỉ dừng ở cấp nghị định.
Một yếu tố nữa là Việt Nam cần tập trung đổi mới loại hình phát triển khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ thay vì phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu cao nhất là lấp đầy diện tích được giao và thuê. Cùng đó tăng cường tính liên kết giữa các khu công nghiệp, giữa khu công nghiệp với bên ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024" vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vì nhiều công ty đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam, với vị trí chiến lược, nhiều hiệp định thương mại quốc tế và chi phí lao động cạnh tranh, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư.
Tín hiệu đáng mừng là các khu công nghiệp ở Việt Nam đang dần chuyển mình phát triển theo chiều sâu, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm cho khách thuê thay vì đơn thuần là đất sạch và hạ tầng như giai đoạn trước. Xu hướng phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ là chuyên biệt và theo chiều sâu, để định vị Việt Nam là thị trường thu hút các nhà đầu tư trình độ cao.
Việc một loạt các luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024, đặc biệt là Luật Đất đai được kỳ vọng là tạo động lực rất lớn cho thị trường bất động sản trong nước và phân khúc bất động sản công nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Giới đầu tư, các doanh nghiệp đang kỳ vọng các bộ chức năng nhanh chóng cụ thể hoá các điều luật bằng các văn bản hướng dẫn thực hiện.