6 nhiệm vụ cần tập trung để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024
Giải pháp nào đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024? Nhiều “cửa sáng” để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% |
Mức tăng trưởng 6,82% là tích cực
Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III/2024 ước tính đạt 7,4%; GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp chế biến chế tạo được coi là động lực tăng trưởng 9 tháng (Ảnh: ST) |
Trong mức tăng 6,82% trong 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế chín tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82%.
“Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai” – bà Nguyễn Thị Hương nêu.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, 9 tháng lạm phát tăng 3,88%. Sản xuất công nghiệp trên đà tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão lụt nhưng vẫn duy trì tăng trưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cung - cầu hàng hóa bảo đảm cho tiêu dùng nội địa; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng cao; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tiếp tục duy trì mức tăng khá. Công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; cứu trợ bão lụt tại các địa phương bị ảnh hưởng được thực hiện nhanh, hiệu quả…
Mặc dù mức tăng trưởng 6,82% trong 9 tháng được đánh giá khá tích cực, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương, bước sang quý IV/2024, kinh tế - xã hội tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh…
Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 từ 6,8%-7% là thách thức lớn. Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô |
6 nhiệm vụ cần tập trung trong những tháng cuối năm
Từ những phân tích trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, 7% trong năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề nghị, cần tập trung 6 nhiệm vụ: Thứ nhất, tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng và lưu thông, phân phối đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, nhất là vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; thực hiện bình ổn giá tại các trung tâm thương mại, siêu thị, ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hóa. Không thực hiện điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý vào thời điểm người dân đang khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ.
Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Các ngân hàng, tổ chức tài chính có các chính sách ưu đãi về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, sản xuất lâm nghiệp, hoạt động du lịch bị thiệt hại do bão, lũ, khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thứ ba, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài.
"Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu" - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Thứ năm, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ, sạt lở đất để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phương thức ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp và chủ động cung cấp nước tưới, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng chống cháy rừng.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ. Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.