Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45
Đoàn đại biểu cấp cao cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương; lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương cùng tham gia Đoàn công tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường", Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào với hơn 20 hoạt động.
Các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất đúng hạn các Kế hoạch tổng thể 2025 và xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các Chiến lược triển khai trong giai đoạn tới; kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, được quan tâm hiện nay; đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Dịp này cũng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS); các Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Thanh niên; và Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0”.
Dự kiến, các Hội nghị sẽ thông qua và ghi nhận khoảng 80 văn kiện về nhiều ưu tiên, lĩnh vực hợp tác cả nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như: xây dựng Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, triển khai Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), kết nối chuỗi cung ứng, hợp tác số, tuần hoàn nhựa, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, giáo dục mầm non, nông nghiệp bền vững, giao lưu nhân dân.
Đây là chuỗi các Hội nghị cấp cao quan trọng nhất trong năm của ASEAN, cũng là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác trao đổi, đưa ra quyết sách chiến lược củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Các bên liên quan cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề cùng quan tâm cả ở khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, trao đổi của các lãnh đạo sẽ tập trung vào những vấn đề chiến lược, sát sườn với ASEAN và khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác sâu rộng, gắn kết chặt chẽ, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác là bài toán mà tất cả các nước cần chung tay tìm lời giải hữu hiệu.
Với tâm thế sẵn sàng đóng góp và nỗ lực hết mình cho thành công chung, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự các hội nghị lần này, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai của ASEAN.
Một là, định hướng hợp tác ASEAN. Trước các xu hướng đang nổi lên mạnh mẽ, ASEAN đã có những bước triển khai chủ động từ sớm để có thể tận dụng các động lực tăng trưởng mới. Một số khuôn khổ đang được tích cực đàm phán như Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Hiệp định khung lưới điện ASEAN, hợp tác kết nối chuỗi cung ứng…. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra lúc này là việc đưa vào triển khai cụ thể, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội mà các khuôn khổ này sẽ mang lại. Theo đó, định hướng thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng theo các xu hướng xanh - số -bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu tại các hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Hai là, định hình tương lai ASEAN. Năm 2024 đánh dấu bước chuyển của ASEAN, hoàn thành các Kế hoạch Tổng thể 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới đến 2045. Trước các chuyển động nhanh, mạnh, sâu rộng của thời đại, các chiến lược phát triển mới của ASEAN được kỳ vọng nâng tầm hợp tác và liên kết ở khu vực theo hướng đổi mới, sáng tạo và hành động.
Ba là, định vị vai trò của ASEAN. Diễn ra hai tuần sau Hội nghị thượng đỉnh Tương lai Liên Hợp Quốc, các hội nghị lần này sẽ góp phần khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị và tầm quan trọng không thể thay thế của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh hiện nay.