4 yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
8 điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm Thu ngân sách nhà nước phải tương xứng với tăng trưởng kinh tế Doanh nghiệp Việt đồng hành với logistics xanh trong tăng trưởng kinh tế |
Tín hiệu tích cực cho tăng trưởng cuối năm 2024
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều diễn biến tích cực, cụ thể tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,93% trong quý II/2024, cao hơn 1,06 điểm phần trăm so với mức tăng của quý I/2024 và chỉ thấp hơn mức tăng của quý II/2022 trong cùng kỳ giai đoạn 2020-2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP đạt tới 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu cả năm với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Chỉ số PMI có sự cải thiện tích cực (Ảnh: Khánh Linh) |
Nhìn về tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng: Việt Nam có thể có một số thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thứ nhất, kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn. "Đánh giá cập nhật của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… đều cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể cải thiện so với các dự báo trước đó" - TS Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Thứ hai, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, các công nghệ mới như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo... tiếp tục có những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ, có thể giúp chuyển đổi đáng kể mô hình, hiệu quả kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội.
Thứ tư, tư duy và khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... có thể được hoàn thiện hơn, qua đó giúp doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch chuyển đổi, khai thác các cơ hội mới.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% nhờ đà phục hồi của nhu cầu thế giới, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam. Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm. “Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam” – ông Nguyễn Trí Hiếu thông tin.
Bên cạnh tín hiệu từ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và thu hút đầu tư, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực tăng 7,7% so với cùng kỳ chủ yếu là do xuất khẩu và cầu nội địa tăng khá. Chỉ số PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) sản xuất đạt 54,7 điểm trong tháng 6/2024, tăng mạnh so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024 và mức 50,5 điểm của tháng 6/2023 và mức 52,5 điểm của tháng 6/2019, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 nhờ sự cải thiện tích cực của đơn hàng mới, xuất khẩu và niềm tin kinh doanh.
Tăng trưởng xuất khẩu tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm (Ảnh: ST) |
Vẫn cần cẩn trọng với lạm phát
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Viện trưởng CIEM cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, Việt Nam cũng phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn. Trước hết, áp lực lạm phát còn lớn, đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ.
“Bên cạnh đó, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… còn tương đối hạn chế. Đặc biệt, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp trong nước” – TS Trần Thị Hồng Minh thông tin.
Theo TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cả năm 2024 tăng trưởng GDP đạt từ 6,5-7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt từ 7-7,5%. Đây là thách thức lớn, cần có kế hoạch cụ thể, quyết liệt, hành động rõ ràng cho tăng trưởng cả năm.
Chuyên gia Cao Viết Sinh cũng lưu ý cùng với phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn, phải chú ý áp lực tăng giá, đảm bảo được mục tiêu lạm phát. Một trong những giải pháp quan trọng để tăng trưởng cao hơn là cần tăng cầu trong nước vì sức mua hiện còn yếu. Đà phục hồi của doanh nghiệp trong nước cũng còn chậm so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng mới như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng năng suất lao động; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo.
Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Bởi nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, Chính phủ cần theo dõi diễn biến lạm phát để giảm tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá; đồng thời, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai; thực hiện hiệu quả các FTA; tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ…