Môi trường kinh doanh Việt Nam đang có sự cải thiện liên tục
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại |
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng
Báo cáo tình hình đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân Việt Nam năm 2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện liên tục trong những năm gần đây. Điều tra của VCCI cũng cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thông tin, chính sách thuận lợi hơn, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, cải cách thủ tục hành chính phát huy hiệu quả, trong đó có việc đẩy mạnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần đáng kể tiết giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp.
Đại biểu tham dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân Việt Nam năm 2024 (Ảnh: MPI) |
"Góp phần quan trọng cho sự cải thiện mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp" - báo cáo của VCCI nêu.
Từ cuối năm 2023, việc xây dựng, ban hành các luật lớn, quan trọng tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… cũng như hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đã góp phần tháo gỡ những điểm vướng, tạo tính đồng bộ, thống nhất và thúc đẩy hoạt động đầu tư. Nhờ đó, trong năm 2024, những luật lớn liên quan đến tài chính như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang được xem xét, sửa đổi với nhiều chế định sửa đổi quan trọng. Đặc biệt là việc sửa đổi các luật lớn như: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước… để khắc phục những vướng mắc, khai thông các dự án và tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Cũng theo báo cáo của VCCI, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, hướng tới củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức đại diện, các hiệp hội doanh nghiệp. Nhờ đó, khu vực doanh nghiệp đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội. Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tích cực (Ảnh: MPI) |
Tăng đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào nền kinh tế
Về cơ hội của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn. Đó là các doanh nghiệp có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, khi Việt Nam dần trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác quốc tế. Xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Những căng thẳng địa chính trị tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, tiêu dùng, đầu tư toàn cầu vẫn chưa hồi phục tích cực. Hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại vẫn có dấu hiệu gia tăng.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng, ngoài ra doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động chính sách pháp luật cũng như thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu…
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, VCCI đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chính sách phải vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân, xây dựng chính sách trên cơ sở luôn lắng nghe ý kiến, tiếng nói của doanh nghiệp và người dân. Cách tiếp cận chính sách từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, theo VCCI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc nhanh chóng, xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc, bất cập do không phù hợp với thực tiễn của quy định kinh doanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh. Chú trọng kiểm soát việc ban hành các thủ tục hành chính, rào cản kinh doanh từ khi dự thảo các văn bản pháp luật. Xây dựng kênh tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp và tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan soạn thảo chính sách nếu không tiếp thu các ý kiến phản ánh.
Liên doàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị, rà soát một cách toàn diện về quy trình thực hiện dự án đầu tư để nhận diện các quy trình, thủ tục không còn phù hợp để thực hiện loại bỏ. Nghiên cứu, xem xét cơ chế quản lý theo hướng hậu kiểm thay vì tiền kiểm ở một số hoạt động để đảm bảo các quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục của nhà đầu tư…