Tại sao Việt Nam có hơn 3000 km bờ biển vẫn nhập khẩu muối?
Công bố hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm Việt Nam nhập khẩu hàng tỷ USD muối dù nhiều tiềm năng phát triển |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa qua tại Quốc hội, một đại biểu nêu ý kiến thể hiện sự quan ngại về việc Việt Nam, với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và truyền thống sản xuất muối của nhân dân, vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu muối.
Điều này khiến vị đại biểu Quốc hội cảm thấy rất đau lòng!
Hình minh họa |
Bàn về câu chuyện này, nhà báo Chu Minh Khôi gửi đến Công Thương bài viết thể hiện những trăn trở và các hướng đi để khai thác tốt hơn tiềm năng trong nguồn tài nguyên muối, nhằm nâng cao giá trị hạt muối ở Việt Nam.
Nghịch lý nhập khẩu muối
"Tôi sinh ra ở Hải Hậu, cách biển chỉ 5 km, vì thế thuở bé mỗi khi ra biển, tôi luôn được chứng kiến những cánh đồng muối rộng miên man. Sau này, những cánh đồng muối biến mất gần hết, chuyển đổi thành các đầm nuôi tôm.
Cách đây 15 năm, khi mới vào làm phóng viên ở Thời báo Kinh tế Việt Nam chừng 2 năm, tôi cũng vì hiểu biết kém và mơ hồ, cùng với nỗi cảm thán về những cánh đồng muối quê mình đã biến mất, nên cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao Việt Nam có hơn 3000 km bờ biển, mà phải nhập khẩu muối?
Và với cái ý nghĩ nông cạn đó, tôi đã tìm đến phỏng vấn ông Lê Nguyên Chương - khi đó là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty muối Việt Nam, để rồi làm bài phỏng vấn với tựa đề: “Nghịch lý nhập khẩu muối”.
Vài năm sau đó, tôi mới biết rằng, nước Lào chẳng có mét biển nào, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu muối lớn trên thế giới. Để rồi từ đó, hiểu ra rằng, muối mỏ vừa có độ tinh khiết cao, mà chẳng phải đem nước ra phơi để lấy muối.
Trên thế giới, có rất nhiều mỏ muối lộ thiên, chỉ cần bóc đi một lớp đất, đem máy xúc đến, mỗi nhát xúc là cả tấn muối đổ lên ô tô. Chính vì thế, muối mỏ giá thành rẻ chỉ bằng 1/20 so với muối sản xuất từ nước biển, lại sạch hơn muối làm từ nước biển rất nhiều. Với những mỏ muối nằm sâu dưới lòng đất, thì chi phí khai thác sẽ cao hơn những vẫn thấp hơn nhiều so với sản xuất muối từ nước biển (những mỏ sâu trong lòng đất, thường khai thác bằng cách khoan đường ống, bơm nước xuống hòa vào muối mỏ tạo thành hỗ dịch lỏng, sau đó hút lên).
Việt Nam không có mỏ muối, phải lấy nước biển để làm muối. Trong nước biển tại Việt Nam, chỉ có chứa 3,5% là muối. Mỗi ruộng muối của nông dân đem phơi cả ngày cũng chỉ được chục kg muối, làm sao nuôi sống nổi diêm dân mà làm.
Đến như cái xứ sở “biển chết”, thì độ mặn trong nước biển lên tới 33,7% - tức là cao gấp gần 10 lần so với hàm lượng muối ở nước biển Việt Nam, thế mà muối của họ sản xuất ra cũng khó cạnh tranh được với muối mỏ.
Với ý kiến cho rằng, chỉ cần Nhà nước đầu tư cho diêm dân mua bạt trải ra để làm muối sạch, thì diêm dân sẽ sống được với nghề muối - thì với tôi, đó là suy nghĩ thật phi thực tế. Muối làm từ nước biển, dù có đưa công nghệ tiên tiến nào vào, thì cũng không thể cạnh tranh được với muối mỏ - chỉ cần xúc lên và bán.
Muối biển không chỉ chứa NaCl, mà trong thành phần còn có các chất khác, vì thế chủ yếu sử dụng làm muối ăn, làm gia vị, ướp cá để làm nước mắm; chứ không thể dùng làm muối công nghiệp, đặc biệt là nước muối để dùng trong y tế. Do đó, các nước họ bỏ hết nghề làm muối biển, chuyển sang dùng muối mỏ hết cả rồi...
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng muối hàng năm hiện là 1,4 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước 700 nghìn tấn (xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn) chủ yếu sử dụng để làm muối ăn. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 700 nghìn tấn muối trắng có độ tinh khiết cao (chủ yếu từ nguồn muối mỏ) để phục vụ các ngành công nghiệp, phần lớn là ngành công nghiệp hóa chất, trong đó có sản xuất xà phòng cần rất nhiều muối NaCL. Ngoài ra, có vài chục nghìn tấn muối đặc biệt sạch được nhập về để phục vụ ngành y tế. Tất cả các muối biển sản xuất trong nước hầu như không đạt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn muối công nghiệp và muối y tế.
Nhiều hãng sản xuất muối gia vị đóng gói cũng đang sử dụng muối nhập khẩu do giá rẻ hơn và độ tinh khiết cao hơn muối Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam cần tới 1,3 triệu tấn muối mỗi năm, do đó lượng muối cần nhập khẩu sẽ còn cao hơn gấp đôi so với hiện nay.
Cũng xin thưa, muối trong nước biển ở đâu mà có? Xưa kia, trái đất khi mới văng ra từ mặt trời, nhiệt độ cao, nên không có nước. Trái đất có vô vàn mỏ muối. Khi nhiệt độ trái đất nguội đi, nước hình thành và tạo ra các đại dương. Các mỏ muối dưới đáy các đại dương được hòa tan trong nước biển - đại dương, khiến cho nước biển có vị mặn.
Ngày nay, tuy Việt Nam không có mỏ muối, nhưng rất nhiều quốc gia có những mỏ muối khổng lồ. Chỉ cần mất 1000 đồng/kg để nhập khẩu muối loại muối tinh khiết, trong khi muối làm từ nước biển, giá thành sản xuất lên tới 3000 đồng/kg, mà toàn là muối bẩn, kể cả trải bạt đổ nước biển lên để phơi khô muối - thì cũng không thể nào làm ra muối tinh khiết 100% được. Nên chọn hướng nào hơn? Có nên “cố đấm ăn xôi”?
Nâng cao giá trị hạt muối Việt bằng cách nào?
Tôi nghĩ, có lẽ Việt Nam khó có thể mở rộng diện tích làm muối và cũng khó tăng được sản lượng muối sản xuất trong nước. Và việc nhập khẩu muối là phải chấp nhận. Nhưng vẫn có cách nào đó làm gia tăng giá trị cho hạt muối Việt Nam, đi theo phân khúc hẹp của thị trường, tránh cạnh tranh với muối công nghiệp, để tạo ra sản phẩm có giá bán cao gấp nhiều lần so với muối thông thường.
Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, cần đầu tư vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ muối làm ra các sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, và thậm chí cả muối tâm linh...
Đơn cử, tôi biết có anh Lê Quang Thắng, trước đây công tác ở Tổng công ty Muối, từ khi Tổng công ty này bị giải thể, cho một vài công ty thành viên sáp nhập với nhau và hạ cấp xuống thành Công ty Muối (đưa về phụ thuộc vào Tổng Công ty Lương thực miền Bắc). Thì, anh đã ra ngoài, thành lập doanh nghiệp riêng, chuyên sản xuất muối ngâm chân, muối đắp mặt từ chính muối biển sản xuất tại Việt Nam.
Muối Nam Định sản xuất theo công nghệ xưa cũ (dùng cát trộn với nước biển đem phơi, rồi sau đó cho vào thùng chạt hòa tiếp với nước biển.... rồi phơi tiếp), tạo ra sản phẩm muối không trắng, mà có màu sẫm hơi nâu đen.
Muối Nam Định cổ truyền tuy không đạt tiêu chuẩn ngày nay về muối ăn và muối y tế (do Bộ Y tế ban hành), nhưng lại có chứa nhiều khoáng chất khác lẫn trong nước biển, lại có chứa cả những hạt phù sa từ những con sông (Sông Hồng, sông Sò, sông Ninh Cơ) chảy ra biển và đọng lại ven bờ. Chính nhờ những hạt phù sa này và những khoáng chất lẫn trong muối, đã khiến muối Nam Định khi đem làm chế phẩm đắp mặt, ngâm chân lại có tác dụng tốt với việc làm đẹp da.
Hiện nay, Nhật Bản cũng đang nhập khẩu khoảng vài nghìn tấn muối này từ Việt Nam mỗi năm để đưa về làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp cho con người... Tuy nhiên, số lượng nhu cầu loại muối này sẽ không nhiều so với tổng sản lượng muối sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam".