Số đông doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
Sau 9 tháng, doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 15,8 tỷ USD 300 doanh nghiệp trong nước, quốc tế tham gia triển lãm ngành thiết bị điện |
Mặt hàng cá tra là một trong 11 loại nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD trong năm 2022. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Không ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế và các tổ chức nghiên cứu, ngay từ tháng đầu tiên của năm 2023, tình hình sản xuất của số đông doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng giảm bớt việc làm và chi phí mua hàng phục vụ sản xuất, chứng tỏ hoạt động kinh doanh đang có chiều hướng đi xuống.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay các doanh nghiệp ngành thủy sản dù đã khai Xuân nhưng đa số vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất vì đơn hàng ký kết quá ít, đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, số hàng tồn kho đã giải quyết xong, khả năng phải cuối quý 1 năm nay, thị trường thủy sản mới hồi phục trở lại và giao dịch mới nhộn nhịp. Trung Quốc đã xóa các thủ tục về kiểm soát dịch COVID-19; giờ chỉ còn chờ thị trường châu Âu và tình hình lạm phát ở Mỹ... mới có thể xác định được tổng mức nhu cầu.
Riêng tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022, cụ thể là giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng sụt giảm này được lý giải là do các thị trường tiêu thụ lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Không chỉ vậy, các cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đã hồi phục sản lượng, tạo ra mức cung lớn với giá thành cạnh tranh hơn tôm của Việt Nam, ông Hòe cho biết thêm.
Không chỉ ngành thủy sản, theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, trong tháng Một vừa qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%.
Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút này là do tháng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra quá gần sát nhau nên số ngày làm việc ít hơn so cùng kỳ năm 2022. Thế giới đang trong thời kỳ biến động, những thay đổi về địa chính trị được dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng, ít nhất đến hết quý 1 này.
Tình hình thế giới với nhiều biến động như vậy; đặc biệt là xung đột Ukraine-Nga và lạm phát tăng cao cũng là lý do khiến các đơn hàng từ các đối tác lớn như châu Âu hay Nhật Bản bị sụt giảm mạnh so với các năm trước đây, ông Hòe phân tích rõ hơn.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thời trang, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn D.Suit Việt Nam cho biết những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao cùng sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang khiến đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19 nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp khiến cho doanh số của nhiều đơn vị thời trang sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm.
Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước và đã bắt đầu thể hiện từ quý 4/2022; nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ bị sụt giảm số lượng đơn hàng, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ… buộc không ít doanh nghiệp phải thu hẹp lại sản xuất. Nhiều dự án đầu tư phải đình hoãn hoặc chuyển đổi, thậm chí tạm dừng hoạt động lại để đối phó với những khó khăn và bất lợi trước mắt.
Đứng trước những khó khăn hiện hữu và qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều chủ doanh nghiệp đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng khó khăn này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý 2 tới. Nhất là Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục.
Ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Land cho hay đợt này, toàn bộ thị trường bất động sản gần như "tê liệt" với mức độ thiệt hại về tiền rất lớn. Doanh nghiệp đã phải tái cấu trúc toàn bộ, cắt giảm nhân sự và tối ưu hóa chi phí, tăng số lượng thành chất lượng, tăng mức độ tinh nhuệ của nhân sự lên. Trong thời gian tới, ngoài việc tinh giản và tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như nâng cấp nội lực, công ty cũng sẽ đánh giá lại thị trường và lựa chọn những sản phẩm có giá trị cốt lõi, đem lại giá trị thật sự cho khách hàng.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ đưa ra các tiêu chí lựa chọn sản phẩm khắt khe nhất, qua đó cung ứng tới khách hàng những sản phẩm có nhiều giá trị như chất lượng sản phẩm, tiện ích, dịch vụ, uy tín, năng lực thực hiện và khả năng hoàn thành của chủ đầu tư, vị trí, pháp lý…
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Vũ Cao cho hay để các doanh nghiệp tự cứu mình và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giải pháp đầu tiên là phải đa dạng hóa nguồn thu, cắt giảm chi tiêu; đồng thời nâng cấp về công nghệ và con người. Bên cạnh đó, rà soát lại những điểm hạn chế, những điểm còn yếu kém trong giai đoạn trước đây để rút ra bài học cho mình./.