Doanh nghiệp Đức tìm cơ hội đầu tư hệ thống điện Mặt Trời Việt Nam
Hội thảo về điện Mặt Trời tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)
Phái đoàn Đức bao gồm đại diện từ các công ty: IBC Solar AG, M+W Group GmbH, Droege Energy GmbH, CARERA Solar/Hydro UG, ILF Consulting Engineers GmbH và Syntegra Solar International AG.
Khởi đầu cho chuyến công tác là Hội thảo “Điện Mặt Trời tại Việt Nam: Hệ thống điện Mặt Trời mặt đất và cơ chế bù trừ trong sản xuất điện Mặt Trời trước cơ hội bứt phá” tổ chức ngày 12/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo là cơ hội để phía Đức giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới hơn 150 công ty và đại diện Việt Nam.
Sau hội thảo, các buổi gặp gỡ trực tiếp kết nối các công ty Đức và Việt Nam sẽ là dịp để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi và kết nối trực tiếp nhằm thảo luận về cơ hội liên doanh hợp tác giữa hai bên.
Kết thúc chuyến đi, phái đoàn sẽ đến tham quan nhà máy DBW Garment tại khu công nghiệp Long Hậu (Long An), một trong những dự án điện Mặt Trời mái nhà thương mại mới nhất và là một ví dụ điển hình cho công nghệ điện Mặt Trời Đức tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, bản nghiên cứu đánh giá gần đây nhất về cơ hội đầu tư tại Việt Nam do GIZ thực hiện sẽ được trình bày, bao gồm 6 trường hợp cụ thể về khả năng ứng dụng pin Mặt Trời trên mái nhà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là thị trường năng lượng Mặt Trời mới và mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp điện Mặt Trời Đức.
Ông Peter Cattelaens, Quản lý Dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam, tổng kết: “Các doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực điện Mặt Trời có thể nắm bắt các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Các nhà phát triển dự án, nhà quản lý kinh doang và vận hành, các nhà cung cấp, kỹ sư và tư vấn hoạch định sẽ là nguồn lực cần có nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường điện Mặt Trời tại Việt Nam./.”
Tiềm năng phát triển năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam là rất lớn. Nguồn năng lượng Mặt Trời phân bố rộng với độ bức xạ trung bình là 4-5 kWh/m2/ngày tại hầu hết các vùng miền Trung và miền Nam, tương đướng với các thị trường năng lượng Mặt Trời đã phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Phillipies cũng như trên thế giới như Tây Ban Nha và Italy.
Việt Nam đã nhận ra tiềm năng này và đặt mục tiêu tăng cường sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng Mặt Trời.
Công suất lắp đặt điện Mặt Trời sẽ tăng từ mức 7 Megawatt (MW) tính từ giữa năm 2016 lên 850 MW vào năm 2020, 4,000 MW vào năm 2025 và 12,000 GW vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ hiện đang soạn thảo cơ chế pháp luật hỗ trợ điện Mặt Trời. Bản dự thảo đầu tiên được công bố trong năm 2015 và tiếp tục được điều chỉnh trong nửa đầu năm 2016, bao gồm giá điện nối lưới (FiT) ở mức 11.2 USct/kWh đối với các nhà máy điện Mặt Trời mặt đất quy mô lớn và cơ chế tín dụng bù trừ cho năng lượng Mặt Trời thặng dư bán vào lưới điện ở mức 15 USct/kWh đối với hệ thống điện Mặt Trời mái nhà.
Một số công cụ hỗ trợ khác cũng đang được chuẩn bị như miễn thuế nhập khẩu, cơ chế khuyến khích đất đai và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Ngoài ra, chính quyền một số tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các dự án thí điểm và chương trình hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng Mặt Trời ở địa phương.
Tính đến nay tại Việt Nam đã có tổng cộng 7 MW điện Mặt Trời được lắp đặt, trong đó khoảng 2MW cho các hệ thống trên mái nhà. Hơn một nửa tổng công suất trên được lắp đặt trong vòng 1 năm trở lại đây nhờ “luồng gió” chính sách hỗ trợ năng lượng Mặt Trời ở các cấp trung ương và địa phương.
Ngoài ra, hiện nay khoảng 500MW công suất từ các dự án đầu tư vào điện Mặt Trời mặt đất đang được phát triển và dự án đầu tiên đã tiến hành lễ động thổ.
Sáng kiến “energy solutions – Made in Germany” của Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa liên bang Đức (BMWi) đang nỗ lực hỗ trợ các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam cũng như kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước./.
Theo TTXVN/Vietnam +