Chú trọng “chất” trong thoái vốn và cổ phần hóa
Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã rất quyết liệt trong hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DN. Hàng loạt các chính sách được ban hành, nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cụ thể như Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2014 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN; Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về bán cổ phần theo lô… và đặc biệt là Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chỉ có 459 DN được CPH trong giai đoạn 2011-2015, đạt khoảng 90% kế hoạch.
Bộ Tài chính tính toán, trong năm 2015 và 2016, tiến hành thoái vốn nhà nước tại 10 DN, kế hoạch thu về 40.000 tỷ đồng, trong đó 10.000 tỷ đồng sử dụng để bù đắp cân đối ngân sách năm 2015 do hụt thu ngân sách Trung ương 30.000 tỷ đồng, còn lại sẽ bổ sung vào nguồn thu của ngân sách nhà nước năm 2016, sử dụng để đầu tư một số công trình trọng điểm quan trọng có sự lan tỏa lớn.
Liên quan đến thoái vốn và xa hơn là để bảo đảm cân đối ngân sách, báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 14/7 cho thấy, có một sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu thu ngân sách. Theo đó, nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh so với năm 2014 và 2015, buộc Chính phủ phải đẩy mạnh các nguồn thu khác. VEPR đã đề xuất, Nhà nước nên thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại nhà nước. “Việc này có thể giúp bổ sung nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động,” TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR đánh giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DN vẫn chưa được như kỳ vọng. Tổng số tiền thu về từ thoái vốn còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, do phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ, nên khi thoái vốn, Nhà nước phải chịu lỗ.
Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng thống nhất với nhau là nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm, tỷ lệ thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty không đạt kế hoạch không phải do nhà đầu tư “chê” những lợi thế mà DNNN sẵn có mà do cơ chế chính sách chưa được cởi bỏ hết. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc Nhà nước vẫn cố giữ phần vốn quá lớn tại nhiều DN trong quá trình CPH và hậu cổ phần, dù nhiều trong số đó không phải là ngành chính và cần bán hết phần vốn nhà nước cho DN tư nhân. Chính vì vậy, các tổ chức quỹ đầu tư ngần ngại góp vốn vì họ sẽ khó có được ý kiến quyết định dù “có chân” trong hội đồng quản trị.
Đó là chưa kể, trong quá trình thoái vốn, các DN gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế đánh giá tài sản là giá trị quyền sử dụng đất, định giá thương hiệu, định giá tài sản trí tuệ, việc đối chiếu và xử lý nợ tồn đọng, tìm kiếm đối tác chiến lược.... Có chuyên gia dùng hình ảnh, công tác CPH, thoái vốn mới chỉ “vạc” hết phần “nạc”, phần “xương” hầu như vẫn còn nguyên. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thì cho rằng, quá trình CPH trong giai đoạn tới rất cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, trong đó phải chú trọng đến vấn đề cốt yếu là “chất”.
Theo TS. Nguyễn Thị Hà (Học viện Tài chính), để CPH đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ CPH, cần xác định lại cơ cấu các loại hình DN trong nền kinh tế, phân tích tương quan về số lượng, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng và triển vọng mở rộng trong thời kỳ hội nhập. Bởi giai đoạn 2016-2020 là thời kỳ Việt Nam thực hiện gần như đầy đủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để tiến trình CPH, thoái vốn được đẩy nhanh và có hiệu quả, rất cần đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, DN. Ông phân tích, mặc dù lãnh đạo Chính phủ nhiều lần khẳng định “anh” nào chưa làm được, đơn vị nào chưa làm được thì đứng ra ngoài cuộc, thế nhưng đến nay vẫn chưa xử lý ai. “Cho nên người nọ nhìn người kia, không có tác dụng răn đe, không có tác dụng thực hiện nghiêm túc dẫn đến bị nhờn,”, TS. Cao Sỹ Kiêm Kiêm nói.
Quang Lộc