Các thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam năm 2022
Bảy tháng xuất siêu 1,26 tỷ USD Sản xuất tăng trưởng, xuất siêu 100 triệu USD |
Chỉ tính riêng 3 thị trường này, tổng mức xuất siêu đã xấp xỉ 11,4 tỷ USD, gần bằng tổng mức xuất siêu của Việt Nam trong cả năm.
Một trong những kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2022 là xuất siêu. Xuất siêu năm 2022 cao hơn năm 2021 cả về mức xuất siêu (trên 12,4 tỷ USD so với gần 3,03 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (3,3% so với 0,9%).
Trong 85 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 54 thị trường, trong đó có 18 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD; 14 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 2 tỷ USD; 6 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 5 tỷ USD và 3 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 9 tỷ USD là Mỹ, Hà Lan và Hồng Kông. Chỉ tính riêng 3 thị trường này, tổng mức xuất siêu đã xấp xỉ 11,4 tỷ USD, gần bằng tổng mức xuất siêu của Việt Nam năm 2022.
Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, cao gấp 10 lần mức xuất siêu của thị trường lớn thứ hai, tăng cao so với năm 2021 cả về mức tuyệt đối, cả về tỷ lệ xuất siêu (tương ứng là 94,92 tỷ USD so với 80,99 tỷ USD và 86,8% so với 816%).
Xuất siêu lớn nhất chủ yếu do xuất khẩu năm 2022 sang Mỹ có quy mô lớn nhất (109,39 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch của cả nước), cao hơn các con số tương ứng của năm trước (96,27 tỷ USD, chiếm 28,7%).
Trong số các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu, nhập khẩu với Mỹ năm 2022, có 12 mặt hàng có quy mô lớn (trên 1 tỷ USD), lớn nhất là máy móc (20,18 tỷ USD), dệt may (17,36 tỷ USD), máy tính (15,94 tỷ USD), điện thoại (11,88 tỷ USD), giày dép (9,62 tỷ USD), gỗ (8,66 tỷ USD). Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch về mặt hàng tương ứng của cả nước (trên 20%), như thuỷ sản, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, dệt may, giày dép, sản phẩm thép, máy tính, điện thoại…
Xuất siêu sang Mỹ do một số yếu tố: số người Việt Nam sống ở Mỹ khá đông (gần 2 triệu người); vốn đầu tư của Mỹ ở Việt Nam lớn; nhu cầu nhập khẩu vào Mỹ rất lớn (tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2020 lên đến gần 2,8 ngàn tỷ USD, xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam năm 2022 mới chiếm gần 3,9%); hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ có giá khá rẻ (do chênh lệch tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương khá cao); khách Mỹ đến Việt Nam đông (năm 2022 đạt gần 399.000 lượt người).
Hà Lan đứng thứ 2 trong các thị trường mà Việt Nam xuất siêu. Xuất siêu sang Hà Lan lớn hơn năm 2021 cả về mức tuyệt đối (9,76 tỷ USD so với 7 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (93,5% so với 91,1%).
Xuất siêu sang Hà Lan do nhiều yếu tố. Về đầu tư, Hà Lan có tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ năm 2022 đạt trên 616 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam 2022 vào Hà Lan chiếm 11,4%. Mặt hàng xuất khẩu sang Hà Lan không nhiều, nhưng có một số mặt hàng có quy mô lớn (trên 1 tỷ USD) là máy tính, giày dép, dệt may. Trong 28 mặt hàng chủ yếu, có 23 mặt hàng tăng, trong đó có 1 mặt hàng tăng cao (trên 1 tỷ USD) là máy móc.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hà Lan thấp và giảm (668,8 triệu USD so với 687 triệu USD).
Hồng Kông đứng thứ 3 trong các thị trường mà Việt Nam xuất siêu với quy mô khá cao, với tỷ lệ xuất siêu đạt tới 82,6%. Mặc dù Hồng Kông có dân số trung bình ít (7,5 triệu người), nhưng quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đạt khá cao (10,94 tỷ USD), đứng thứ 5 trong các thị trường (sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Có 8 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông đạt quy mô trên 100 triệu USD, trong đó có 2 mặt hàng có quy mô lớn là máy tính (5,88 tỷ USD), điện thoại (2,05 tỷ USD). Hồng Kông vừa là trung tâm thương mại lớn, vừa là một thương cảng lớn của thế giới, cũng là vùng lãnh hổ lớn thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.