Anh tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng của nông sản Việt Nam
Tiếp sức cho doanh nghiệp khai thác cơ hội từ UKVFTA | |
Nâng cao giá trị, đồ gỗ Việt chinh phục thị trường Anh |
Thuận lợi từ ưu đãi thuế quan
UKVFTA là một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa mạnh. Đặc biệt, UKVFTA có phạm vi cam kết rộng, bao trùm các khía cạnh thương mại đầu tư truyền thống (như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…) và mới (như mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh…).
UKVFTA cũng bao gồm các cam kết về các khía cạnh phi thương mại nhưng có liên quan chặt chẽ tới thương mại và có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững giữa hai nền kinh tế (như lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội…).
Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Theo Bộ Công Thương, với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, các sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh sẽ được xóa bỏ thuế quan còn 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (mức thuế MFN hiện hành Anh đang áp dụng với các sản phẩm tôm dao động từ 12-20%).
Đặc biệt, có hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả của Việt Nam cũng sẽ ngay lập tức được hưởng mức thuế suất ưu đãi UKVFTA 0%, giúp cho nhiều đặc sản của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, xoài… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh các nước đối thủ cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với nước này.
Ngoài ra, việc UKVFTA loại bỏ thuế quan ngay (42,5% số dòng thuế) hoặc theo lộ trình (2 đến 6 năm) đối với các sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Anh cũng hứa hẹn gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang một thị trường tiềm năng mà hiện mới chiếm chưa tới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam...
Và thực tế, ngay khi đi vào thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu vào thị trường Anh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như: Thuỷ sản, hạt điều, cà phê.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 6,6 tỷ USD; tăng trưởng hơn 17%. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước tăng trưởng đều đặn ở mức 6%/năm, đạt gần 1 tỷ USD năm 2021.
Năm 2022, Anh đẩy mạnh nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đơn cử, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang Anh đạt 34,68 nghìn tấn; trị giá 70,68 triệu USD; tăng 57,9% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – Thám tán Thương mại Việt Nam tại Anh – cho biết, trước khi có UKVFTA, nhiều nông phẩm Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh với nông phẩm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi hay Ấn Độ. Tuy nhiên, khi Hiệp định UKVFTA được thực thi đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.
Tạo bứt phá xuất khẩu cho nông sản
Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Vì thế, dư địa để thúc đẩy giao thương nông sản của hai nước còn rất lớn, bởi hiện xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Anh. Ngược lại, nông sản của Anh vào Việt Nam cũng chưa được 1% tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường Anh các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ những yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng, những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, về bao gói, ghi nhãn hàng hóa và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác mà UKVFTA không giải quyết được.
Bộ Công Thương cho hay, đối với các sản phẩm rau quả xuất khẩu vào Anh sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan đến loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng và dư lượng cho phép trên sản phẩm rất thấp. "Những quy định này của Anh đã khó đáp ứng lại thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp phải tìm hiểu và cập nhật thường xuyên thì mới có thể thâm nhập thị trường này"- Bộ Công Thương khuyến nghị.
Từ thách thức đó, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập sâu hơn xứ sở sương mù, cần thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hay EurepGAP và các áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế ISO, SA (tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội), ILO (tiêu chuẩn lao động quốc tế). Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để phát triển quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác của Anh.
Ngoài việc tận dụng tốt các ưu đãi từ UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa cũng chia sẻ rằng, dù là doanh nghiệp hay nông dân, công ty hay tập đoàn muốn xuất khẩu đều phải tìm hiểu, đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi của các thị trường, chứ không phải chỉ giới thiệu sản phẩm là xong. Do đó, với những yêu cầu khắt khe của thị trường Anh, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng kế hoạch kinh doanh, đến thực hiện xây dựng chuỗi, phát triển sản phẩm, vấn đề thương hiệu.
Đặc biệt, để gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, nông sản Việt phải đi trực tiếp để tạo lợi thế về giá cả và uy tín. Theo vị chuyên gia này, con đường đàm phán tốt nhất chính là ngoại giao, đó là cần sự vào cuộc của cả Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chứ không chỉ dành riêng cho Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nông sản có thể gia tăng hiện diện trên thị trường Anh.