Dán nhãn UKCA: Chuyển đổi để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại thị trường Anh
Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào Doanh nghiệp phải làm gì để duy trì thị phần gạo Việt Nam tại thị trường Anh? |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi hai năm qua đã góp phần thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Vương quốc Anh. Và hưởng lợi từ UKVFTA phải kể tới các sản phẩm công nghiệp.
Hiện nhóm sản phẩm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh với tỷ trọng hàng năm chiếm khoảng hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng chủ lực như: Điện thoại và linh kiện điện thoại, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, sắt thép...
Sản phẩm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, nhóm mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sẽ phải thực hiện quy định bắt buộc phải chuyển đổi dán nhãn CE sang UKCA (nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh) khi xuất khẩu vào thị trường Anh kể từ 1/1/2023.
Như vậy, với việc dán nhãn UKCA là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh đặt ra thách thức mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, bởi nếu không nhanh chóng chuyển đổi, đăng ký, đáp ứng tiêu chuẩn UKCA thay thế cho CE thì sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu, bán hàng tại thị trường Anh - một trong những thị trường có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp.
Theo đó, 4 đối tượng cần quan tâm dán nhãn hiệu UKCA là: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Các sản phẩm yêu cầu sử dụng nhãn UKCA gồm: Đồ chơi, pháo hoa, thuyền dùng cho mục đích giải trí và mô tô nước, bình áp suất, tương thích điện từ, cân không tự động, dụng cụ đo lường, chai lọ đong, thang máy, thiết bị cho môi trường dễ cháy nổ, thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị gas, máy móc, thiết kế sinh thái, thiết bị điện áp thấp…
Quy định của Chính phủ Anh nêu rõ, trong hầu hết các trường hợp, nhãn UKCA phải được dán trên chính sản phẩm hoặc trên bao bì. Dấu UKCA phải rõ ràng, dễ đọc và không thể tẩy xóa.
Thời gian đầu thực hiện chuyển đổi, ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, doanh nghiệp sẽ có một số khó khăn, bỡ ngỡ, tuy nhiên, việc nắm bắt dần quy định sẽ giúp ích lâu dài cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại Anh trong thời gian tới.
Về mặt nhãn mác, Vương quốc Anh vẫn muốn có một nhãn mác riêng, như EU có nhãn mác an toàn cho người sử dụng (CE). Bây giờ, quốc gia này đã có quyết định dùng nhãn mãn UKCA. "UKCA về mặt kỹ thuật là tương đương CE, tuy nhiên vì không còn là thành viên EU nên Anh sử dụng nhãn UKCA"- ông Cường cho hay.
Trước đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và không muốn gây khó khăn giấy tờ, thủ tục hành chính, Anh vẫn chấp nhận nhãn mác CE cho các sản phẩm công nghiệp, kể cả sản phẩm xuất khẩu vào Anh. "Song, do yêu cầu luật định, công ty nhập khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng như các quốc gia khác cũng phải chấp nhận dán nhãn UKCA thay cho CE, kể từ ngày 1/1/2023. Điều này có thể phát sinh chi phí cho nhà sản xuất, nhưng không đáng kể"- ông Cường nói thêm.
Theo Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI), chi nhánh Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI Group) tại Việt Nam thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu được quá trình chứng nhận, chuyển yêu cầu cho các Văn phòng BSI ở châu Âu và Anh thực hiện công tác chứng nhận. Qua công tác làm việc, Viện này nhận thấy các doanh nghiệp đã nhận biết được về tiêu chuẩn UKCA và đang quan tâm thực hiện.
Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam được xác định đóng vai trò to lớn, quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh, vì thế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ cùng Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn về nhãn hiệu UKCA cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nắm rõ và thực hiện quy định của thị trường.
Đánh giá lạc quan hơn về tiêu chuẩn của thị trường, cũng như dán nhãn UKCA, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các bộ tiêu chuẩn của Anh là nền tảng, là cơ sở cho nhiều bộ tiêu chuẩn sản phẩm các nước khác trên thế giới. Vì thế, nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động có sản phẩm đáp ứng được bộ tiêu chuẩn Anh đồng nghĩa sẽ đáp ứng được hầu hết các bộ tiêu chuẩn khác trên thế giới. Đây sẽ là thuận lợi lớn để hàng hoá Việt Nam góp mặt sâu rộng hơn trên thị trường toàn cầu.
Theo hướng dẫn cập nhật của Chính phủ Anh, cho đến ngày 31/12/2025, đối với hầu hết các hàng hóa, doanh nghiệp có thể tùy chọn gắn nhãn hiệu UKCA trên nhãn dán sản phẩm hoặc trên tài liệu đi kèm. Doanh nghiệp (cho dù là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hay nhà phân phối) phải thực hiện các bước hợp lý để đảm bảo nhãn hiệu UKCA vẫn còn nguyên vẹn. |