Doanh nghiệp thủy sản cần chủ động với các quy định mới từ thị trường Anh
Sản phẩm Việt Nam đang có nhiều thuận lợi hiện diện tại thị trường Anh | |
Thực thi UKVFTA, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Anh |
Còn nhiều dư địa
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2022, Vương quốc Anh nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam với giá trị gần 272 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gần 60% kim ngạch xuất khẩu sang Anh là từ tôm chân trắng, cá tra chiếm 20%, tiếp đến là các sản phẩm tôm sú, cá ngừ, cá tuyết, mực và các sản phẩm hải sản khác. Trong khi xuất khẩu tôm chân trắng sang Anh giảm 9% thì cá tra vẫn giữ được tăng trưởng gần 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tháng 10/2022, xuất khẩu cá tra sang Anh vẫn giữ được tăng trưởng 60% đạt 4,7 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường này mang về 54,7 triệu USD, chiếm 2,5% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu loài này, đạt trên 49 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh chiếm gần 4% và cá tra chế biến chiếm trên 6%.
Thuỷ sản xuất khẩu sang Anh tăng trưởng tích cực |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, lạm phát tại Anh liên tục tăng nóng kể từ đầu năm nay và tăng tới mức cao nhất trong 40 năm (10,1%) trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Vì thế, người tiêu dùng Anh dự báo sẽ nghiêng về các sản phẩm thực phẩm giá rẻ hơn. Trong đó, các sản phẩm cá thịt trắng vẫn được ưa chuộng hơn cả.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, so với các loài cá thị trắng, thì cá tra phile đông lạnh (mã HS 030462) nhập khẩu vào Anh có giá trung bình tăng ít hơn, tăng từ 6%-19%. Hiện Việt Nam là nguồn cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 5 trên thị trường Anh, chiếm khoảng 7,5% thị phần. Anh nhập khẩu chủ yếu các loại cá tuyết từ Na Uy, Iceland, Quần đảo Faroe và từ Trung Quốc – xưởng gia công, chế biến cá thịt trắng cho các nước châu Âu.
Dự báo, xu hướng tiêu thụ và nhập khẩu thuỷ sản ở thị trường này chắc chắn sẽ bị tác động giảm trong thời gian tới và nhu cầu có thể vẫn tập trung nhiều hơn vào phân khúc thuỷ sản giá vừa phải hoặc thấp. “Do vậy, dư địa cho cá tra xuất khẩu sang thị trường này vẫn đang rộng mở, đặc biệt với lợi thế thuế quan nhập khẩu theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA)”- bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Chủ động tránh bị “sốc” trước các quy định mới
Đánh giá về cơ hội tiếp cận thị trường Anh của thủy sản Việt Nam nhờ Hiệp định UKVFTA, bà Lê Hằng chia sẻ, khi Hiệp định UKVFTA vừa có hiệu lực thì đúng vào giai đoạn xảy ra Covid-19 và sau đó là một năm 2022 với khá nhiều vấn đề về địa chính trị và cùng những khó khăn bất cập khác.
Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng, tốc độ tăng trưởng của thủy sản Việt Nam sang Anh vẫn đạt con số tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các ưu đãi từ UKVFTA.
Đối với các thách thức từ rào cản kỹ thuật, bà Lê Hằng cho biết, hiện chưa không có được một khảo sát cụ thể cũng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam hầu như không nhận được những phản ánh từ phía doanh nghiệp liên quan đến những khó khăn trước csc rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu sang thị trường Anh.
Còn các quy định về an toàn thực phẩm hoặc là những quy định chung giống như với thị trường EU bà Lê Hằng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn với cộng đồng doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) lưu ý, trong tương lai doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị ứng phó với những quy định của Anh mà họ chưa được biết đến, chưa được truyền thông đến và có những quy định của thị trường Anh mà doanh nghiệp không phân biệt được khác như thế nào với thị trường EU.
Theo đó, bà Lê Hằng nêu rõ, sẽ có những thay đổi đáng lo ngại hơn với cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, đó là những quy định liên quan đến phát triển bền vững ở Anh có thể là như EU có thể cũng sẽ cao hơn. Đây là điều đặc biệt cần phải lưu ý trong thời gian tới cho doanh nghiệp. “Nếu có sự chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ không bị sốc hoặc là bị bất ngờ dẫn đến những tình huống không may, đáng tiếc”- bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ thêm, phía các cơ quan quản lý nhà nước, VCCI cần đồng hành với doanh nghiệp thông qua việc tích cực truyền thông, thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, các cam kết UKVFTA và nhất là các quy định, tiêu chuẩn của thị trường Anh tới doanh nghiệp. "Đối với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) ở vai trò hiệp hội là sẽ nắm bắt thông tin và thông tin nhiều hơn tới doanh nghiệp thủy sản về những thay đổi của thị trường Anh"- bà Lê Hằng cho biết.