Mở rộng cửa ngõ để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định UKVFTA
Vương quốc Anh là thị trường lớn, khó tính nên việc phải đối diện các thách thức là điều tất yếu mà hàng hoá Việt Nam phải đối diện. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết, để tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Việt Nam phải hoá giải nhiều thách thức, trong đó cần thay đổi tư duy sản xuất trong các thành phần kinh tế, từ số lượng sang chất lượng.
Theo ông Thủy, các ưu đãi thuế quan tương đối lớn chính là lợi thế để hàng hoá Việt Nam nâng sức cạnh tranh trên thị trường Anh. Với bất kỳ một FTA nào, trong đó có UKVFTA đều thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất hàng hoá, thúc đẩy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị bởi hàng hoá vào thị trường Anh luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Bên cạnh đó, theo ông Thủy, việc tham gia hiệp định đã giúp tăng lợi thế đi trước của Việt Nam so với các nước ASEAN khi Việt Nam ký kết UKVFTA. Bởi, nhiều mặt hàng của ASEAN cũng tương đồng với Việt Nam nên khi thực hiện cam kết trong UKVFTA đồng nghĩa rằng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường này sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu, đảm bảo sự ổn định, chất lượng cho sản xuất hàng hoá và tham gia sâu hơn vào thị trường EU thông qua Anh.
Bưởi Diễn Hòa Bình xuất khẩu chính ngạch đến Vương quốc Anh nhờ UKVFTA - Ảnh: TTXVN |
Trên thực tế, thời gian qua, để hàng hoá thâm nhập vào thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như EU hay Anh là điều không hề đơn giản trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, do nguồn lực hạn chế nên giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu thấp do đầu vào không ổn định, sức cạnh tranh với các nước khác khá lớn, thêm vào đó là chi phí logistics lớn, tác động tiêu cực biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quy hoạch.
Ngoài ra, ông Thủy cũng chỉ ra, hiện tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn làm gia công, trong khi tiềm năng sản xuất hàng hoá của doanh nghiệp Việt còn rất lớn. "Cùng với đó, dù đã bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu, nhiều lĩnh vực kinh tế cần phải hiện đại hoá công nghệ sản xuất, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng đây là vấn đề còn yếu kém. Ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực sản xuất chưa phát triển; các doanh nghiệp, ngành hàng còn thiếu nhạy bén, hạn chế trong nắm bắt nhu cầu của thị trường; các hoạt động xúc tiến xuất khẩu chưa mang lại nhiều hiệu quả thiết thực…" - ông Hoàng Trọng Thuỷ cho hay.
Các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng Việt Nam cần quan tâm tới những tiêu chuẩn về môi trường, lao động… mà thị trường Anh đặt ra. Trong đó, yếu tố lao động là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam dễ bị vi phạm như quy định về tiền lương tối thiểu, độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, Anh cũng là thị trường khắt khe đối với chất lượng hàng hoá của thế giới. Lấy dẫn chứng, là thị trường tiêu thụ cà phê lớn, thị trường Anh đặt tiêu chuẩn rất cao về vấn đề an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, các tiêu chuẩn của thị trường này rất chi tiết và yêu cầu cao.
Để hoá giải các thách thức, kiến tạo cơ hội, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ; kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… là vô cùng cần thiết. Việc thay đổi tư duy sản xuất trong các thành phần kinh tế, từ số lượng sang chất lượng và theo tiêu chuẩn của Anh, nắm được nhu cầu tiêu dùng của thị trường góp phần đẩy các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có giá trị cao cả về chất và lượng.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Anh đóng vai trò quan trọng trong thông tin thị trường về sự thay đổi các tiêu chuẩn thói quen của người tiêu dùng để cung cấp kịp thời, nhanh chóng cho doanh nghiệp, ngành hàng. "Việc đẩy mạnh dự báo càng sớm càng tốt, bởi điều này mới giúp cho tổ chức sản xuất đúng hướng và quan trọng là nắm được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng bản địa. Ngoài ra, cần tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia; hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Anh, bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp" - ông Thủy cho hay.
Song song với điều này, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có thêm các cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ phù hợp với bối cảnh mới. Như vậy, từ chính nỗ lực của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của nhà nước kỳ vọng sẽ cải thiện được thị phần hàng Việt Nam tại Anh; tăng khả năng tận dụng UKVFTA như kỳ vọng trước khi hai bên ký kết hiệp định này.
Theo cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc tận dụng UKVFTA thể hiện ở tận dụng ưu đãi thuế quan cũng đạt 17,2% trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định. Tỷ lệ 17,2% này không phải là thấp so với các hiệp định thương mại khác ở năm đầu tiên, nhưng cùng là FTA thế hệ mới như EVFTA với EU thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi đạt 20%. |