Tăng cường xuất khẩu sang Anh trên các kênh thương mại điện tử
Xuất khẩu sang thị trường Anh: Doanh nghiệp cần sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn UKCA | |
UKVFTA: Hiểu xuất xứ, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn |
Phương thức xuất khẩu tiềm năng
Thời gian qua, trước tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số trong toàn xã hội và trong tất cả các lĩnh vực, riêng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỉ USD, người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị.
Hiện tại, thương mại điện tử tại Việt Nam thành phương tiện giao dịch phổ biến, lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp và người dân |
Dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ, chúng ta cũng hoàn toàn có thể xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, tạo ra những đột phá trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường Anh trong bối cảnh thực thi các cam kết của Hiệp định UKVFTA
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, những cam kết về thương mại điện tử trong UKVFTA hoàn toàn mở ra nhiều phương thức tiếp cận thị trường kiểu mới, không nhất thiết đi qua tiếp cận thị trường truyền thống.
Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ Công Thương đã làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba nhằm hỗ trợ doang nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đối với sàn thương mại điện tử Alibaba, Vương quốc Anh luôn nằm trong thị trường có lượng người mua nhiều nhất (ngoại trừ hàng nông sản).
Cụ thể, với ngành hàng thực phẩm và đồ uống, Vương quốc Anh luôn nằm trong top 10 quốc gia có người mua hàng lớn nhất. Trong khi đó, ngành hàng đồ may mặc, Vương quốc Anh nằm ở top 6. Với ngành hàng liên quan đến làm đẹp, Vương quốc Anh cũng có lượng người mua đứng thứ 2 các sản phẩm này của Việt Nam. Tương tự, với ngành hàng về nội ngoại thất, lượng người mua các mặt hàng này từ Vương quốc Anh xếp hạng 4...
Bên cạnh mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua việc tham gia các sàn thương mại điện tử bằng hình thức truyền thống nhất trong ứng dụng thương mại điện tử là B2B, B2C, theo Cục Xúc tiến thương mại hiện nay còn có xu hướng tổ chức triển lãm trực tuyến và xây dựng mô hình gian hàng quốc gia trên flatform.
Tăng cường hoàn thiện pháp lý, chính sách
Một số đánh giá cho rằng, Việt Nam đang có ưu thế về kinh tế chính trị ổn định, do đó ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư vào các ngành chủ lực như hạ tầng, năng lượng, thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại, chăm sóc sức khoẻ…
Tuy nhiên, tới đây để có thể đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Anh trên các kênh thương mại điện tử Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đảm bảo đi đúng hướng, bắt kịp xu hướng thị trường; cần tiếp tục phối hợp với Vương quốc Anh để tổ chức, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và xác định thương mại điện tử hay chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc phải làm, là trọng tâm của chiến lược kinh doanh dài hạn. Ngoài ra, để bán hàng thành công trên Amazon hay các sàn thương mại điện tử quốc tế các doanh nghiệp Việt cần chú ý tới sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp, chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường.
Đặc biệt, nhiều khuyến cao đã nêu rõ, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu). Do đó, các doanh nghiệp phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.
Để có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng được tốt hơn nữa yêu cầu của thị trường Anh để tăng cường xuất khẩu theo UKVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cũng đã nêu quan điểm rằng, đầu tiên doanh nghiệp phải tự giúp mình, phải chủ động để thích ứng với xu thế phát triển của thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, với xu hướng tiêu dùng mới trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp cần có những biện pháp để tiếp cận người tiêu dùng, tiếp cận khách hàng, tiếp cận đối tác phù hợp, xúc tiến thương mại phù hợp. Mặc khác, để khai thác thị trường, tận dụng UKVFTA bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và từ Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các phương thức xuất khẩu, nâng cao chất lượng hàng hoá.
Trước cánh cửa xuất khẩu mở rộng theo kênh thương mại điện tử, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý thêm đối với cộng đồng doanh nghiệp đang có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Anh, đó là dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay thương mại điện tử, UKVFTA vẫn là FTA thế hệ mới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà cần quan tâm đến quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững…
Để thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu. |