Tiếp sức cho doanh nghiệp khai thác cơ hội từ UKVFTA
Tận dụng FTA đưa ngành tôm Việt vào chu kỳ tăng trưởng mới | |
Thực thi UKVFTA, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Anh |
Doanh nghiệp chủ động tận dụng các ưu đãi
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. 9 tháng 2022, xuất khẩu sang Anh đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Ước thực hiện 10 tháng trên 5,2 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép...
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương Quốc Anh nhận định, UKVFTA đã thực sự trở thành con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Điều đó cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nếu so sánh với các đối tác khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là ảnh hưởng từ các trở ngại sau khi Anh rời khỏi EU thì kết quả về tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào. “Đặc biệt, tôi cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Anh đã thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA”- ông Cường chia sẻ.
Từ con số xuất khẩu ấn tượng, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lạc quan cho hay, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh tăng mạnh trong gần 2 năm qua cho thấy thị trường Anh ngày càng đánh giá tích cực hơn về doanh nghiệp Việt cũng như chất lượng hàng sản xuất tại Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ông Tô Hoài Nam cũng phấn khởi nói, với một thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Vương Quốc Anh, việc xuất khẩu có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những ảnh hưởng từ đại dịch cũng như chiến sự Ukraina là thành công lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù kinh tế Vương quốc Anh đang có những khó khăn, tuy vậy, với UKVFTA, nhiều chủng loại hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi tích cực. Theo đó, thuế nhập khẩu vào Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, miễn thuế một số lượng hàng hóa bổ sung đối với 14 mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo. Đồng thời, 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại Vương quốc Anh, gồm những sản phẩm nổi tiếng như: cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc…), giúp những sản phẩm này thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh.
Tăng tốc khai thác thị trường
Theo Bộ Công Thương, đến nay Anh là một trong các quốc gia nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Việt Nam, ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác xuất khẩu đứng thứ 23 vào thị trường Anh.
Hiện Anh là có sức mua lớn, thu nhập 45.000 USD/năm với hơn 67 triệu dân…, có nhu cầu tiêu dùng tăng sau dịch Covid-19, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường, đường bay sang Anh không quá xa so với Hoa Kỳ, có nguồn nhân lực sinh viên Việt Nam học ở Anh lớn là cầu nối có thể mở rộng hoạt động thương mại.
Đặc biệt, Khi Anh ra khỏi khối EU cũng tạo ra lợi thế cho hàng Việt Nam, điển hình như sắt thép gia tăng được kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Như vậy, có thể nói, cơ hội để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Anh là khá thuận lợi. Song, ông Nguyễn Cảnh Cường không khỏi lo ngại, bởi năng lực tận dụng cơ hội thị trường của doanh nghiệp còn hạn chế.
Thời gian qua, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ngay những ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sẵn bạn hàng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trước thị trường mới. “Riêng năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh - rất ít so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”- ông Cường cho hay.
Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam cho rằng, trải qua hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù đã có sự tiếp sức từ Chính phủ, nhưng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn còn rất “mong manh”. Vì thế, doanh nghiệp cần thời gian phục hồi và tạo dựng được nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh thì mới đủ sức vươn ra thế giới, xuất khẩu mạnh sang Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng khuyến nghị, dù UKVFTA mở ra thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải đủ năng lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Vì thế, đối với doanh nghiệp khi muốn tiếp cận thị trường Anh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn Anh.
Trước thực tế đó, ông Nguyễn Cảnh Cường đề xuất, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) các hiệp hội ngành nghề có thể phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Anh và Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) để phổ biến các tiêu chuẩn cần thiết cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc học hỏi các đối thủ của mình thông qua các website của họ hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử lớn như www.amazon.co.uk hay www.alibaba.com hay www.made-in-china.com.
“Thương vụ Việt Nam tại Anh đã và sẽ tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ thương mại tại Anh để quảng bá sản phẩm và thiết lập quan hệ bạn hàng với các doanh nghiệp Anh, đồng thời phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các chương trình tư vấn tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp Anh”- ông Cường cho hay.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho biết, trong kế hoạch hành động năm 2023 và giai đoạn tới, cơ quan này sẽ thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá thông qua các hoạt động về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, thu hút đầu... để có thể khai thác tốt nhất các cơ hội từ các FTA, trong đó có Hiệp định UKVFTA.