Thực thi Hiệp định UKVFTA: Việt Nam thành lập Nhóm DAG đảm bảo đại diện cân bằng các lĩnh vực
Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sau gần 2 năm thực thi UKVFTA Thực thi UKVFTA, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Anh |
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) được ký chính thức ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán trên cơ sở kế thừa các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với một số điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen.
Thuỷ sản Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang Vương quốc Anh nhờ Hiệp định UKVFTA. (Ảnh: TTXVN) |
Hiệp định UKVFTA gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Anh; 1 Nghị định thư về quy tắc xuất xứ và 2 Bản Chú giải.
Theo cam kết của UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 18/05/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc rà soát và sửa đổi pháp luật thực thi UKVFTA, tuyên truyền, phổ biến thông tin hiệp định, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng các cơ hội từ hiệp định… Cùng với đó, một số văn bản thực thi UKVFTA đã sớm được ban hành nhằm giúp các doanh nghiệp kịp thời tận dụng FTA này để xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Anh.
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã phối hợp với Vương quốc Anh thành lập các thiết chế như: Ủy ban Thương mại, các Ủy ban chuyên môn như Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư và Thương mại điện tử, Thương mại và Phát triển bền vững, nhóm công tác theo quy định để thực thi hiệp định và tổ chức các phiên họp của các Ủy ban này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng danh sách sơ bộ các trọng tài viên và ứng viên Hội đồng chuyên gia theo quy định về giải quyết tranh chấp và thương mại và phát triển bền vững Hiệp định UKVFTA
Đối với việc thành lập Nhóm DAG trong khuôn khổ UKVFTA, Nhóm DAG Việt Nam (được thành lập trong khuôn khổ EVFTA) sẽ đảm nhiệm vai trò Nhóm DAG cho UKVFTA. Theo Quyết định số 401/QĐ-BCT ngày 22/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nhóm DAG Việt Nam được thành lập theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định UKVFTA.
Các thành viên DAG Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA được quy định tại Phụ lục của Quyết định số 1972/QĐ-BCT ngày 17/8/2021 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1972/QĐ-BCT cũng đồng thời là thành viên DAG Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định UKVFTA.
Nhóm DAG Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định UKVFTA cũng áp dụng các quy định trong Quyết định số 1972/QĐ-BCT đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của mình. Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tạm thời thực hiện chức năng của Ban Thư ký Nhóm DAG Việt Nam trong UKVFTA cho đến khi Ban Thư ký chính thức được thành lập.
Trong các cam kết của Chương 13 Hiệp định UKVFTA kế thừa các cam kết của Chương 13 Hiệp định EVFTA. Theo đó, mỗi bên phải thành lập một hoặc các nhóm tư vấn trong nước (DAG) mới hoặc tham vấn ý kiến của nhóm tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững với nhiệm vụ tư vấn về việc thực hiện Chương này. Nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước này bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường.
Việt Nam đã thành lập Nhóm DAG Việt Nam trong khuôn khổ Chương 13 Hiệp định EVFTA, bao gồm 7 tổ chức thành viên đó là: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện giới sử dụng lao động); Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD); Viện Công nhân – Công đoàn (trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV); (Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA).
Nhóm DAG Việt Nam hoạt động như một diễn đàn, không có tư cách pháp nhân, không có con dấu và tài khoản riêng, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động của mình. Chức năng và nhiệm vụ của Nhóm DAG Việt Nam là tập hợp, trình bày quan điểm và đưa ra khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững, phù hợp với cam kết tại hiệp định.
Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021. Trong năm 2022, Việt Nam thu hút được gần 134,7 triệu USD vốn đầu tư từ Vương quốc Anh, giảm 55,4% so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 53, giảm 5 dự án so với năm 2021. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Vương quốc Anh là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; khai khoáng. |