Tận dụng quyền lợi, doanh nghiệp cần chủ động dỡ bỏ rào cản kỹ thuật
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc gặp khó vì rào cản kỹ thuật |
Doanh nghiệp lo ngại những rào cản kỹ thuật
Năm 2022, thông qua việc thực hiện các FTA, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường châu Âu, Anh đã tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những thị trường này còn nhiều dư địa để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hoá, nhất là các nông sản, hàng hoá chủ lực.
Thị trường châu Âu, nhất là thị trường Anh tuy có mức thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (Hiệp định UKVFTA) nhưng là thị trường mới, thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh do lo ngại những rào cản kỹ thuật.
Thông tin về những tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thị trường Anh, bà Tôn Nữ Thục Uyên cho biết: Trước năm 2021 Anh là thành viên của EU và các quy định của Anh liên quan đến Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tức là những biện pháp bắt buộc áp dụng và thủ tục đánh giá sự phù hợp, những quy định liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận với sản phẩm, hàng hóa sẽ hài hòa theo quy định của EU.
Tuy nhiên sau năm 2021, Anh rời khỏi EU sẽ có những quy định mới của Anh sẽ được ban hành liên quan đến và cũng sẽ có những quy định mới của Anh ban hành liên quan đến TBT cho sản phẩm hàng hóa.
Tận dụng quyền lợi, doanh nghiệp cần chủ động dỡ bỏ rào cản kỹ thuật |
Mặc dù rời khỏi EU nhưng Anh vẫn là một trong những thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ phải thực thi cam kết của Hiệp định TBT của WTO bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp sẽ phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, Hiệp định TBT của WTO là một trong những hiệp định điều chỉnh về thương mại hàng hoá nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp không phân biệt đối xử, không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại. Đây là những quy định liên quan đến thử nghiệm và chứng nhận với sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.
Do đó, một số những khó khăn mà doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải có thể là đáp ứng các quy định của EU, nhưng sẽ phải phân biệt rõ ra đâu là những quy định của EU và quy định riêng của Anh. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nhất là các quy định về TBT.
Bà Uyên cho biết từ tháng 3/2021 đến nay, tức là sau thời điểm Anh rời khỏi EU trong vòng gần hai năm Anh đã thông báo xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung khoảng 34 quy định về TBT và số lượng này chiếm khoảng 35% tổng số những quy định về TBT mà Anh đã xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung từ năm 1997 tới nay.
Điều này cho thấy, nước Anh đang tiến hành xây dựng và ban hành những quy định về TBT mới, tức là liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp mới cho thị trường của riêng thị trường Anh.
Thông tin thêm về việc thực hiện Hiệp định TBT, bà Uyên cho biết: Bất chấp dịch bệnh, cùng với nước Anh, nhiều nước khác cũng đang tích cực xây dựng, sửa chữa, bổ sung nhiều quy định, biện pháp liên quan đến TBT. Cụ thể, năm 2021 có khoảng 4.000 quy định về TBT được sửa đổi, gấp 2 lần so với năm 2015. Đến tháng 12 năm nay, con số quy định liên quan đến TBT được sửa đổi đã lên khoảng 6.000, gấp rưỡi so với năm trước.
Đặc biệt, châu Âu là một trong 10 nước đưa ra nhiều quy định liên quan đến TBT và bị nêu ra nhiều quan ngại thương mại nhất trong phiên họp của WTO. Thông tin về nội dung này, bà Tôn Nữ Thục Quyên nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt cần biết và tìm hiểu.
Chủ động gỡ bỏ rào cản
Theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, Việt Nam đã tham gia cam kết về TBT trong WTO cũng như trong tất cả các FTA hiện nay, bao gồm cả CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Hiện nay theo quy định những cam kết về TBT này, các nước phải tiến hành thông báo các dự thảo của biện pháp TBT cho các nước khác đóng góp ý kiến bao gồm cả Việt Nam. Trong trường hợp biện pháp mới gây cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc quy định khắt khe hơn hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như cam kết TBT đã đưa ra thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đóng góp ý kiến ngay từ đầu, từ khi biện pháp đó còn đang ở giai đoạn dự thảo.
"Doanh nghiệp có thể chủ động dỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản đấy chưa hình thành. Đây là một quyền lợi rất lớn đối với doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần lưu ý tận dụng", bà Uyên khuyến nghị.
Theo bà Uyên, điều đáng tiếc, dù Việt Nam đã tham gia thực thi quy định của hiệp định TBT nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và nắm rõ quyền lợi của mình.
Qua quá trình tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp Việt, bà Uyên nhận thấy, rào cản lớn nhất của nhiều doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận tiêu chuẩn kỹ thuật trong hiệp định TBT là ngôn ngữ, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các quy định kỹ thuật vốn không dễ dàng tiếp cận, đọc và hiểu bằng tiếng Việt đã khó, các ngôn ngữ khác còn khó hơn. Theo quy định của WTO, ngoài tiếng Anh các nước thành viên có thể sử dụng thêm tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
Để tìm hiểu thông tin về hiệp định TBT, lãnh đạo Văn phòng TBT Việt Nam thông tin: Doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm trên trang web của WTO. Đặc biệt, Văn phòng TBT Việt Nam đã chuyển đổi ngôn ngữ thông tin về hiệp định TBT sang tiếng Việt để doanh nghiệp dễ tra cứu, tìm hiểu thông tin. Hiện nay, chỉ riêng Việt Nam mới có sự chuyển đổi ngôn ngữ này và được WTO đánh giá cao.