“Thời điểm vàng” tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA
“Với Hiệp định UKVFTA, ta có lợi thế của người đi trước!” Tiếp sức cho doanh nghiệp khai thác cơ hội từ UKVFTA |
Khởi đầu hết sức khó do dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, năm 2023, thị trường Anh tiếp tục được dự báo là điểm đến tiềm năng của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam nhờ các cơ hội từ Hiệp định UKVFTA.
Hàng Việt gia tăng hiện diện tại Anh
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Vương quốc Anh đạt hơn 6,6 tỷ USD; tăng trưởng hơn 17%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Riêng 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt gần 5,63 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam đạt 700 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Tổng giá trị thương mại 2 chiều 11 tháng năm 2022 đạt 6,33 tỷ USD, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2021, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại gần 4,93 tỷ USD.
Hàng hoá Việt Nam gia tăng hiện diện tại Anh |
Đáng chú ý, Anh là thị trường khó tính, với những quy định, tiêu chuẩn khắt khe đặt ra nhiều thách thức đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Nắm bắt tình hình và để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được thách thức này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ tổ chức nhiều phiên tư vấn về những quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa muốn thâm nhập thị trường Anh. Các đơn vị của Bộ Công Thương như Vụ thị trường Âu – Mỹ, Vụ Chính sách thương mại đa biên và Cục xúc tiến thương mại cũng rất tích cực phổ biến UKVFTA và tư vấn cho doanh nghiệp khai thác UKVFTA. Phía Thương vụ tại Anh đã tổ chức các phiên tư vấn tiếp cận thị trường hàng nông sản, đồ gỗ, đồ may mặc, nhãn hiệu UKCA cho hàng công nghiệp; tham gia hội chợ White Label Show London (Tháng 2/2022), Birmingham Furniture Show (Tháng 4/2022) và Vegfest UK (Tháng 11/2022); tổ chức Vietnam Goods Festival tại London (Tháng 6/2022) và tại Nottingham (Tháng 7/2022).
Kỳ vọng mới
Hiện nay, VN đang ở trong một “thời điểm vàng” để có thể tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm đến chưa đến 1% trong tổng nhu cầu nhập khẩu hơn 600 tỷ USD hàng hóa mỗi năm của thị trường này. Chia sẻ về thực tế này, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, trong hai năm vừa qua, Covid-19 đã cản trở việc tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, một số quy định mới về tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục hải quan hậu Brexit của Vương quốc Anh có thể phần nào khiến doanh nghiệp Việt Nam e ngại.
UKVFTA - đòn bẩy xuất khẩu sang Anh |
Thêm vào đó, cước vận tải đường biển từ Việt Nam sang Anh tăng cao kỷ lục từ cuối năm 2020 đến tận giữa năm 2022 đã làm nản lòng nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tỉ giá ngoại hối của đồng Bảng biến động mạnh trong quí 3 và 4/2022 cũng là một yếu tố không thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh.
Bối cảnh trên dự báo sẽ gây không ít thách thức đối với xuất khẩu sang thị trường Anh của Việt Nam do thị trường sẽ có những thay đổi, điều chỉnh. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Cảnh Cường lạc quan rằng, Hiệp định thương mại tự do UKVFTA sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, đồ nội thất gia dụng.... Đồng thời, phân khúc hàng tiêu dùng bình dân được dự báo mở rộng trong năm 2023 và 2024 và vì thế sẽ mở thêm cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội trên, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ thúc đẩy xuất khẩu. Và muốn tiếp cận thị trường Anh thành công, các doanh nghiệp cần mạnh dạn tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại quốc tế lớn. Đây chính là biện pháp giữ vai trò quan trọng trong xúc tiến thị trường, bởi “trăm nghe không bằng một thấy”. “Gặp gỡ online 100% không thể bằng các doanh nghiệp kết nối, thiết lập một quan hệ bạn hàng trực tiếp; vẫn cứ phải đến hội chợ để nhìn thấy hàng mẫu, sờ thấy hàng mẫu và người mua trao đổi trực tiếp với người bán, tiếp xúc với nhà sản xuất”- ông Cường nói.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, tới đây, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chi phí tham gia các hội chợ tại Anh hay hỗ trợ các giám đốc mua hàng của các nhà phân phối tại Anh sang Việt Nam tìm nguồn hàng mới. Đặc biệt, các địa phương cũng cần tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và kỷ luật lao động đạt tiêu chuẩn châu Âu để giúp các doanh nghiệp chiếm được niềm tin của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Anh.
Với vai trò “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương ở nước ngoài, ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ, năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ ưu tiên nhân lực và ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế tại Anh để tiếp cận thị trường tiềm năng này. |