“Với Hiệp định UKVFTA, ta có lợi thế của người đi trước!”
Thực thi UKVFTA, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Anh | |
Hiệp định UKVFTA mang lại kết quả tích cực cho thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh |
UKVFTA mang lại nhiều thuận lợi
Bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ, Hiệp định UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland khi năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đã tăng 23% so với lại năm 2020.
“Tất nhiên năm 2020, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cho nên kim ngạch xuất khẩu sang Anh giảm sút. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ kim ngạch xuất khẩu năm 2021 với sự có mặt của UKVFTA đã bật tăng so với hai năm trước, tức là trước cả thời điểm dịch bệnh bùng phát. Đấy chính là một điểm chúng tôi đánh giá là tác động rất tích cực của UKVFTA” – bà Trang chia sẻ. Đồng thời cho biết, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đã đạt 5,2 tỷ USD. Chúng ta hy vọng đến cuối năm sẽ có một con số đẹp đẽ hơn và sẽ đạt được một đỉnh mới trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh.
Nói về thuận lợi khi thực thi Hiệp định UKVFTA này, bà Trang chia sẻ, không thể không nhắc tới một thực tế, đó là UKVFTA là một hiệp định tiếp nối Hiệp định EVFTA. Sau khi Anh tách ra khỏi EU thì hiệp định này tiếp nối và đến 99% các nội dung của UKVFTA giống như EVFTA. Cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã có thời gian chạy đà rất dài với EVFTA trước đó rồi cho nên Hiệp định này cũng quen thuộc hơn với với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ.
Thủy sản tận dụng tốt UKVFTA để xuất khẩu sang Anh |
Đồng thời, trong việc thực thi UKVFTA thì có một điểm được đánh giá rất cao là Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương đã có những bước chạy gấp rút để có thể đưa EVFTA có hiệu lực từ mùng 1/8/2020 và trong 5 tháng cuối của năm 2020 Anh cũng được tính vào tiếp tục thực hiện theo EVFTA. Đến giai đoạn cuối thì Chính phủ và và đặc biệt Bộ Công Thương đã ngay lập tức thúc đẩy để chúng ta ký được UKVFTA.
“Chúng ta ký UKVFTA ngày 29/12, sau đấy ngày 31/12 mà theo giờ Việt Nam là ngày 1/1/2023 thì hiệp định là có hiệu lực tạm thời, như vậy là không có bất kỳ một khoảng trống nào và chúng ta được tiếp tục thực hiện ngay UKVFTA. Đấy là một nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà chúng tôi đánh giá rất cao. Nó cũng là một lợi thế để doanh nghiệp tiếp ngay sau thực thi EVFTA thì thực thi tiếp đến UKVFTA với thị trường Anh luôn” – bà Trang chia sẻ.
Ngoài ra, trong khảo sát của VCCI với doanh nghiệp, VCCI thấy là với hiệp định này, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chủ động tìm hiểu kỹ càng hơn. Có đến 18% các doanh nghiệp cho biết họ đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA mà có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Đặc biệt, trong quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland thì Việt Nam có một lợi thế là các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở trong khu vực Châu Á, đặc biệt trong khu vực ASEAN, chưa có quốc gia FTA với Vương quốc Anh. Cho nên chúng ta có một lợi thế của người đi trước.
Ngoài ra nữa đối với các doanh nghiệp thì trong kinh doanh với Anh cũng có một thuận tiện, đấy là ở phía đối tác Anh họ kinh doanh khá là bài bản, chuyên nghiệp và vì thế chúng ta cũng dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng sử dụng tiếng Anh - một thứ tiếng phổ biến cho nên là các doanh nghiệp sử dụng ngôn ngữ chuẩn để giao dịch cũng thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động
Dù có nhiều thuận lợi song không có nghĩa UKVFTA không khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bởi đây là một FTA thế hệ mới, rất phức tạp để doanh nghiệp hiểu được và nắm bắt lợi thế.
“Có một điểm lúc trước tôi nói là thuận lợi nhưng nó cũng đồng thời là khó khăn với doanh nghiệp, đấy là doanh nghiệp quen khi kinh doanh với Anh là theo các quy trình, thủ tục chuẩn của EU. Bây giờ Anh tách ra và thiết lập những cơ chế mới, cũng gần giống nhưng mà cũng có khác biệt và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận diện được đâu là những khác biệt để có thể tiếp tục kinh doanh với thị trường Anh thay vì là kinh doanh với thị trường Anh trong EU như trước đây thì tôi nghĩ những điều đấy là khó khăn” – bà Trang chia sẻ.
Ngoài ra, trong một tổng thể chung, nếu mà trong so sánh với CPTPP, EVFTA thì dường như là sự quan tâm của doanh nghiệp với UKVFTA vẫn còn hạn chế. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy có đến 61% doanh nghiệp chỉ nghe nói đến tên của hiệp định này thôi mà chưa từng thực sự đi tìm hiểu nó là cái gì và nó có thể mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp.
Cơ hội ở thị trường Anh còn rất lớn khi đối với những sản phẩm chưa được loại bỏ thuế quan ngay thì nó vẫn tiếp tục được mở rộng và đặc biệt từ năm thứ ba, năm thứ năm là gần như đến 99% các sản phẩm sẽ hết lộ trình thực hiện và sẽ được loại bỏ thuế hoàn toàn. Đó là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, bà Trang cho rằng: “Đầu tiên, doanh nghiệp phải tự giúp mình, tức là doanh nghiệp cũng phải phải chủ động. Phải tìm hiểu thông tin để đừng quá e ngại và hơn nữa là phải biết cách để mà có những biện pháp để tiếp cận người tiêu dùng, tiếp cận khách hàng, tiếp cận đối tác phù hợp, xúc tiến thương mại phù hợp”.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp thì cũng cần nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường và để doanh nghiệp có thể tận dụng được.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các lớp đào tạo miễn phí để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những hệ thống các tiêu chuẩn mới, những quy trình kiểm nghiệm để giúp cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào thị trường, tận dụng Hiệp định UKVFTA để tiến vào thị trường Anh một cách tự tin hơn.